Ngôi nhà ngập nắng miền nhiệt đới
Không gian rộn ràng, rực rỡ, tưng bừng với sắc màu vui nhộn ấy chính là ngôi nhà rực nắng của hoạ sĩ Nguyễn Tấn Cương.Người ta hay bảo rằng: nhà sao – chủ vậy! và chốn đi về thường ngày của hoạ sĩ Nguyễn Tấn Cương là một dẫn chứng tiêu biểu. Là một người thích trải lòng, thích gần gũi với thiên nhiên nắng gió, nên khi bắt tay vào xây dựng tổ ấm của mình vào năm 1990, hoạ sĩ Nguyễn Tấn Cương đã thiết kế một không gian sống mà với nhiều người thành thị, ý tưởng của ngôi nhà thật xa xỉ khi dành hẳn phần lớn diện tích sử dụng làm giếng trời, biến một không gian sống bình thường mở đến cực đại, tràn ngập ánh sáng.Hoà với nắng gió nhiệt đới, các mảng tường trong ngôi nhà với điểm nhấn là những tác phẩm hội hoạ đương đại mang màu sắc ấm nóng, tươi vui. Không khí rộn ràng đáng yêu ấy được người hoạ sĩ lý giải: “Theo nghề hội hoạ thì tuỳ từng thời điểm người hoạ sĩ thích thể hiện những phong cách khác nhau, khoảng hơn mười năm trước tôi thích sử dụng những gam màu lạnh, khoảng năm năm trở lại đây tôi lại thích sử dụng màu mạnh như đỏ, cam, vàng… Và khi thể hiện các tác phẩm theo phong cách đó thì tất cả nội thất và không gian sống của mình cũng thay đổi theo cho phù hợp”.
Một góc căn phòng nắng cùng tác phẩm điêu khắc của hoạ sĩ. |
Ngồi trong ngôi nhà nhiệt đới của hoạ sĩ Nguyễn Tấn Cương, cảm giác như không có sự ngăn cách với không gian ngoại thất, phần cửa được bố cục khéo léo, vách ngăn sử dụng kiếng để không tạo cảm giác ngăn cách với bên ngoài. Giữa nội thất và ngoại thất là những tác phẩm hội hoạ, là màu xanh của cỏ cây hoa lá. Người hoạ sĩ quan niệm, nhà phải có ánh sáng, phải có cây xanh. Yếu tố thiên nhiên kết hợp với phong cách, nghề nghiệp, và với cả sở thích của người hoạ sĩ gặp nhau ở điểm chung chính là ngôi nhà thân thương ấy.
Một không gian gần như không có sự ngăn cách |
Sự hiện đại, tiện dụng trong không gian sống của ngôi nhà nhiệt đới được thể hiện rất rõ qua hình thái kiến trúc đơn giản và các vật liệu dùng trang trí nội thất, cho dù chủ nhân không hề phủ nhận mình là người thích những gì mang tính xưa cũ, thuần Việt, truyền thống. Thế nhưng anh cũng khẳng định nếu sống trong một không gian cổ xưa thì không phù hợp với tính cách, do vậy ngôi nhà nơi anh ở phải mang tính hiện đại, điểm xuyết vài chi tiết xưa cũ như chiếc tràng kỷ tre, bức tượng sơn son thếp vàng… đem lại một sự tương phản thú vị mà theo chủ nhân thì chúng không hề chối bỏ nhau, mà càng tôn thêm vẻ đẹp trong trang trí nội thất.
Khoảng sân trời trước kia được cải tạo lại thành không gian trưng bày chính và phòng khách, nên vào buổi sáng, nơi đây gần như là một khoảng sân đầy nắng, giản dị và cởi mở như tính cách của chủ nhân. |
Bên cạnh những tác phẩm hội hoạ, có một chi tiết hấp dẫn khác trong ngôi nhà nhiệt đới chính là những chiếc bàn thô mộc, nơi sắp đặt các tác phẩm gốm điêu khắc – một cách thể hiện nghệ thuật điêu khắc bằng chất liệu gốm với ý tưởng từ sự thô ráp của các mặt bàn. Tưởng rằng phải dày công để sắp xếp những chi tiết trang trí nội thất cho ngôi nhà của mình, nhưng chủ nhân chia sẻ: “Những sắp xếp, bố cục trong nhà hoàn toàn do ngẫu nhiên, không gượng ép, làm sao để từng tác phẩm nghệ thuật, từng chi tiết trang trí nội thất đều có nét tự nhiên. Và không gian nội thất ấy thường được làm mới, thay đổi xê dịch theo cảm hứng để ngôi nhà trở nên thú vị hơn”.
Chiếc bàn kính nhỏ cạnh cửa sổ là nơi hoạ sĩ tiếp những người bạn thân. Họ có thể ngồi ở đây cả buổi vì không gian quá êm đềm, trong lành và cởi mở. |
Bắt đầu một ngày mới của người hoạ sĩ chính là lúc ánh nắng đi qua khoảng sân nhỏ, lùa vào tận chiếc bàn kính nơi anh ngồi thưởng thức ly càphê sáng cùng gia đình, một không gian mà anh thích nhất để khởi đầu ngày mới với những ý tưởng mới. Không gian làm việc chính là góc yêu thương thứ hai, nơi anh tự do thả hồn mình với những đường cọ lên bức toan trên giá vẽ mà không sợ bị chút vướng bận gì của cuộc sống xô bồ, náo nhiệt nơi thành thị làm ảnh hưởng đến những giây phút sáng tạo đầy thi vị.
Một chiếc bàn kính khác thường dùng làm bàn ăn hoặc tiện thì tiếp bạn luôn. Ở đây rất nhiều ghế, đâu cũng có thể ngồi xuống chuyện trò. |
Ngôi nhà của người nghệ sĩ quanh năm rộn ràng màu sắc, căng tràn sức sống, là nơi để người nghệ sĩ thể hiện tài nghệ của mình qua các tác phẩm nghệ thuật, là nơi anh tiếp đón bạn bè gần xa, là nơi mà không gian sống và nắng gió của thiên nhiên hoà hợp làm một để hình thành nên một miền nhiệt đới nhỏ xinh, đáng yêu, thân quen và tách biệt với nhịp sống đô thị đầy sôi động.
Tầng trên là studio của hoạ sĩ. |
(Theo SGTT)
- 262
- By Admin
- 16/01/2012
- 17