Ngôi nhà dành cho tranh
Anh mở đầu câu chuyện rằng mình không phải là người sưu tầm chuyên nghiệp, chỉ là người mê tranh, thích mua tranh trang trí cho không gian sống thêm đẹp và sinh động.Phòng khách, nơi được chủ nhà chăm sóc bằng các món đồ hoài cổ, tượng trang trí. |
Nói về những thú chơi tao nhã, người xưa đã từng dặn: Nhất chữ – nhì tranh – tam sành – tứ kiểng. Đinh Tú Phong chọn cho mình môn chơi thứ nhì trong bốn thú vui tao nhã ấy. Khắp nhà, đâu cũng là những bức tranh treo được trang trí, sắp đặt, bố cục một cách gọn ghẽ, hài hoà với tổng thể nội thất mang phong cách hiện đại. Những bức tranh từ nhiều chất liệu, sơn dầu, sơn mài, màu nước… và chiếm đa số là thể loại tranh trừu tượng và trừu tượng biểu hiện. Chủ nhân nói về niềm đam mê của mình với tranh trừu tượng: “Tôi thích phong cách trừu tượng, nó khiến tôi phải vận động tư duy để tưởng tượng ra những ẩn ý mà mỗi lần nhìn, tuỳ vào cảm xúc tôi lại nhận ra trong tranh có nhiều nét mới”.
Sảnh và sân nhà trước nhìn từ phòng khách. Cây khế là một biểu tượng ngọt ngào trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam. |
Đam mê hội hoạ, thích tìm hiểu về các hoạ sĩ, các thể loại tranh, sau đó mới bắt đầu tìm mua những bức tranh ưng ý, khi dựng nhà, Đinh Tú Phong vận dụng thiết kế riêng để dành không gian cho những bức tranh mà mình đã có được. Anh chia sẻ: “Tôi trang trí nội thất cho ngôi nhà khoảng 50% các tác phẩm mà tôi sở hữu, số tranh còn lại được tôi thay đổi liên tục trong không gian trưng bày, vừa để làm mới cho nội thất ngôi nhà, mà cũng là dịp để tận hưởng vẻ đẹp từ các tác phẩm hội hoạ. Ngay từ khi làm nhà, tôi đã xác định sẽ dành nhiều không gian trang trí cho tranh, nên các gam màu của sơn tường, nền gạch, trần nhà, tôi thường chọn màu trung tính, đơn giản, mục đích để tôn thêm vẻ đẹp của tranh”.
Cầu thang với chú Người gỗ nhỏ, món qùa của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn tặng anh Phong khi theo tập Vĩnh Xuân quyền |
Tranh trong ngôi nhà của Đinh Tú Phong, không cứ phải là của hoạ sĩ tên tuổi, mà tiêu chí khi chọn tranh, ấy là tác phẩm phải đẹp, ngay cả tính cách người hoạ sĩ ấy cũng phải đẹp, anh mới chọn mua tranh bởi có như thế mới dễ đồng cảm với hoạ sĩ và thấy tranh đẹp hơn. Do vậy, trong các tác phẩm mà anh đang sở hữu, có nhiều tác phẩm của bạn bè thân thiết. Cuộc chơi tranh của Đinh Tú Phong chỉ để hài lòng với mình, bởi đó là một thú vui, chẳng phải là câu chuyện buôn bán, nên không câu nệ, miễn cảm thấy hài lòng, thích thì mua, không thì thôi.
Phòng ăn và bếp không gian liên thông với phòng khách. Đồ gỗ đồng nhất về phong cách, kiểu dáng cùng những món đồ gỗ khác trong căn nhà. |
Trong các không gian trưng bày, Đinh Tú Phong chú trọng nhiều vào không gian chung của ngôi nhà, nơi các bức tranh được bố trí rất có dụng ý, bởi đó là nơi không chỉ để anh khám phá và chiêm nghiệm những nét đẹp của các tác phẩm trừu tượng, mà còn là nơi anh gặp gỡ, chia sẻ thú vui với bạn bè qua cách sắp đặt, bài trí, bố cục các tác phẩm nghệ thuật một cách hài hoà theo sở thích mà anh chọn. Góc trang trí tâm đắc nhất của ngôi nhà lại là một câu hỏi khó với chủ nhân, bởi các góc, các mảng tường trong nội thất đều được những bức tranh tôn lên thành góc đẹp, cả ngôi nhà là một không gian tranh sống động, đồng nhất đầy thú vị.
Phòng trà đạo, nhạc và đọc sách. Những thú chơi tao nhã mà khi điều kiện sống dư giả người ta sẽ nghĩ đến. Giữa phòng là bức tranh của người bạn thân, một hoạ sĩ du học mỹ thuật ở Đức. Một không gian trà đạo với nhiều sách quý, tranh đẹp, tiếng đàn thanh thoát… Quả là thú chơi của kẻ quân tử ngày nay.
Khu vực tầng hai với phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung và phòng tắm. Một không gian thoáng đạt, gọn gàng để dành chỗ chơi cho cậu con trai nhỏ. |
(Theo SGTT)
- 197
- By Admin
- 21/10/2011
- 17