Ngôi nhà của tình mẫu tử
Nhà văn Trầm Hương |
- Chị đã từng trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, dời đổi rất nhiều, chuyển nhà rất nhiều…ngôi nhà nào trong ký ức mà chị nhớ nhất?
Đó là ngôi nhà ở quê của tuổi thơ tôi. Ba mẹ tôi có một ngôi nhà lớn ở Bến Tre, nhưng ở lằn ranh giữa quốc gia và cộng sản, nên súng đạn liên miên. Mẹ tôi đã tản cư về một ngôi nhà nhỏ hơn trong vùng sâu. Đó là một quãng dài hạnh phúc, hồn nhiên vô cùng.
Niềm sung sướng nhất với tôi lúc ấy là tối ngày được đọc sách. Từ nhỏ tôi đã rất hiếu động, trèo từ cây này qua cành kia như con khỉ con, hái ổi, hái mãng cầu chín thơm lừng…
Nhà tôi có cả mấy mẫu vườn, trái cây lúc nào cũng chất đầy, mùa nào thức nấy. Tôi thích nhất được ngắm nhìn cả rừng chồi non lún phún sau mưa: “Rừng tưng bừng chuyển ngã/ Lá xưa giờ rời đâu…”. Mùa gặt, mấy trăm dạ lúa trải đều trên sân, đi học về bỏ cặp lăn trên đống rơm thơm mùi lúa chín. Cơm gạo mới ăn ngon kỳ lạ, cua luộc cả một nồi, bắp luộc cả một nồi… Những hình ảnh ấy lặn sâu trong tiềm thức. Có lẽ tôi được thừa hưởng sự khoẻ mạnh vì được sống trong sự tinh khiết, trong lành đó.
- Chị nói chị ảnh hưởng nhiều nhất từ mẹ?
Mẹ tôi là con gái một nhà nho. Một bà nhà quê mà đọc gần hết các tác phẩm văn chương của châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam. Bà kể cho tôi nghe rất nhiều về tiểu thuyết Con đường đau khổ của A. Tolstoi, giới thiệu cho tôi tìm đọc trở lại những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới. Một chuyện mà tôi ấn tượng nhất về mẹ là khi tôi khoe bà truyện ngắn đầu tiên của mình được in. Bà không tỏ ra vồn vã, chỉ âm thầm rút kính ra đọc. Đọc xong, bà thở dài: “Văn chương con sao bất an quá, cuộc đời con chắc sẽ không suôn sẻ, lại giống nàng Tiết Đào đời Tống bên Trung Quốc thôi, “Chí nghênh ngang Bắc Đẩu/ Diệp Tống dẫn lai phong…”. Tôi thắc mắc lắm, lục hết các sách cổ để tìm hiểu Tiết Đào là ai, chỉ có một dòng ngắn ngủi: “Một nữ sĩ đời Tống làm thơ, thân phận lẻ mọn, cuộc đời tài hoa mà bạc phận…”. Sau này, khi bà bồng bé Mi, con gái đầu của tôi, bà nói một câu mà tôi đau mãi: “Hoàn cảnh con sao thương quá, đúng là “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Hơn ai hết, bà thấm nỗi đau của phận đàn bà lẻ mọn. Làm dâu nhà địa chủ tưởng sung sướng nhưng bà cơ cực vô cùng. Một tay gánh giang sơn nhà chồng, mấy chục mẫu ruộng bà phải lo cuốc trồng cầy cấy như con ở, lại bị chồng hắt hủi, vậy mà vẫn lấy gạo nuôi chữ, nuôi con ăn học thành người. Những ước mơ của bà, nỗi đau của bà hoá thân vô tôi, đặt để cho tôi trở thành nhà văn, để có thể sống thay nhiều cuộc đời, cảm nhận thay nỗi đau của nhiều cuộc đời khác.
- Điều quý nhất chị thụ hưởng từ mẹ, và muốn truyền lại cho các con?
Sự đa cảm. Con người giàu có nhất là sự đa cảm. Phải rung động mới biết trăn trở, hành động. Hành động của nhà văn là đi, đọc, viết, dấn thân, vì không thể can tâm nhìn những bất công đè nặng lên số phận con người. Khi nhìn thấy con trai mình đang chơi đùa rất hiếu động bỗng dừng phắt lại khi đụng vô một cánh hoa, lấy tay vuốt nhẹ, tôi nghĩ thôi chết rồi, nó lại giống mình cái tật “Thương hoa tiếc ngọc”…
Về Sài Gòn, tách khỏi thiên nhiên, môi trường sống quen thuộc, chị có bị mất thăng bằng nhiều không? Chị đã hoài thai kịch bản nhiều tập Người đẹp Tây Đô trong một ngôi nhà tồi tàn nhất thời tuổi trẻ?
Chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, cuộc sống ngột ngạt vô cùng, dân Sài Gòn coi mình là tỉnh lẻ, phải nỗ lực nhiều lắm để tự khẳng định. Nhưng nghề viết hồi ấy có giá, một tập kịch bản được 5 triệu đồng, tương đương một lượng vàng, một truyện ngắn mua được chỉ vàng. Thế là tôi cắm đầu vào viết. Ngôi nhà trọ tồi tàn trên tít lầu ba, không nước, không điện, giống như Tôn Ngộ Không trong lò bát quái, nóng hầm hập. Ba năm ròng đóng cửa viết Người đẹp Tây Đô trong cái nóng triền miên để lấy tiền mua sữa cho con… tôi nghĩ nghề văn ngoài tài năng còn là quy luật của sự khắc nghiệt. Hoa lan dại quý hiếm đều mọc ở những nơi núi non hiểm trở, rét mướt mới trổ hoa.
- Cuộc sống của người đàn bà đơn thân nuôi hai con nhỏ dại và ước mơ một căn nhà tử tế cho con, dường như đã khiến chị phải bươn chải vô cùng vất vả?
Hai đứa con đẻ ra, chông chênh, đủ thứ chuyện phải lo, khi người đàn ông không đi cùng đường với mình. Ba mẹ con tôi đã trôi dạt qua biết bao nơi ở tạm bợ khác nhau, từ Bàu Cát, Gò Vấp, rồi về đây… Hơn ai hết, tôi hiểu phải an cư mới lạc nghiệp. Nhưng mình không thể bỏ, phải nỗ lực đi hết con đường. Cũng có lúc mệt mỏi, yếu đuối, mong manh vô cùng, chỉ muốn quỵ xuống. Nhưng tình yêu thương, tình mẫu tử khiến người ta làm được những điều kỳ diệu, tưởng như vượt quá sức mình. Qua khỏi cái bờ dốc khó khăn đó cần cả sự may mắn…
Ngôi nhà vườn ở Gò Vấp tôi rất thích vì rộng và thoáng, tràn ngập cây xanh, yên tĩnh và phù hợp với công việc viết lách của mình. Chính nơi đây tôi đã viết Đêm Sài Gòn không ngủ, tiểu thuyết về Mậu Thân 1968, vừa đoạt giải hội Liên hiệp VHNT Tp.HCM năm 2012… Nhưng Kỳ Nam con trai tôi đang học nhạc viện, ngày ngày cháu phải đi xe đến trường rất xa, mình lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Một bữa con thốt lên: “Nếu ở nhà gần thì một ngày con tiết kiệm được hai giờ đi xe để tập đàn”. Chỉ một câu nói vu vơ của con thôi khiến tôi quyết định thay đổi. Tiết kiệm, vay mượn đủ đường, tôi mua được căn nhà này để xây lên, thế là ba mẹ con tôi có một cuộc đổi đời.
- Với kiểu nhà ống, chị có những giải pháp gì để tạo nên không gian sống xanh?
Tôi muốn kiến trúc phải bảo đảm vừa có không gian riêng tư cho mỗi người, vừa có không gian chung, để mọi người quây quần đầm ấm. Thiết kế lệch tầng tạo cảm giác không gian rộng thoáng hơn. Nhà đẹp không thể thiếu cây cối xanh tươi. Phía trước nhà tôi để hành lang rộng 1m, để đưa thiên nhiên và nắng, gió vào nhà. Màu trắng khiến cho toàn bộ ngôi nhà và đồ đạc trở nên tinh khôi, một tiểu cảnh nhỏ nơi phòng khách với sỏi trắng và hoa lá cũng làm dịu tầm nhìn. Tôi thích những loài hoa dại đẹp lạ kỳ, thích hoa mai. Tranh trong nhà cũng toàn là tác phẩm của ba mẹ con, những ước mơ, kỷ niệm buồn đã đi cùng năm tháng. Tôi thích vẽ tĩnh vật, hoa, và ước mơ sẽ làm triển lãm đưa hoa lá vào nhà. Tình yêu với thiên nhiên trong mình mạnh lắm, nên dù chỉ một lá sen thôi cũng vẽ bằng tất cả tâm hồn. Bức tranh lớn những chiếc bình cổ là tình yêu dành cho Hoàng thành của tôi, nó cũng rất hợp với phong thuỷ, đem lại sự may mắn, nên dù ai trả bao nhiêu cũng không thể bán. Hai mẹ con tôi, nội tiền bán tranh cũng được cả mấy trăm triệu rồi đó (cười hạnh phúc). Vừa rồi hai mẹ con đã bán tranh đóng góp cho chương trình Ngư dân bám biển của báo Sài Gòn Tiếp Thị…
Đây là ngôi nhà của sách. Sách từ trên gác thượng tới phòng ngủ, phòng ăn. Tôi thích nhất là buổi sáng thức dậy, từ căn phòng của mình nhìn ra những nõn cây hồng lộc ngắm mặt trời lên. Xây được nhà là một chuyện, để ngôi nhà có hồn, cần sự tinh tế của người phụ nữ. Chỉ có người phụ nữ mới lắng nghe, thấu hiểu được từng góc nhỏ, từng khiếm khuyết, từng viên gạch vỡ, để hoá giải nó bằng một cánh bướm, một nhành cây. Đâu phải có nhiều tiền mới có nhà đẹp. Đâu phải cái gì cũng cần sang trọng, đắt tiền. Ngôi nhà nào cũng có khuyết điểm, chỉ có tình yêu, sự nâng niu, tinh tế của người phụ nữ mới khiến cho căn nhà trở nên ấm áp.
- Nơi nào của ngôi nhà mà chị tâm đắc nhất?
Nhà tôi rất nhiều con cháu, nên yêu cầu đầu tiên là phòng khách thông với cái bếp phải rộng, thoáng, liền lạc với bàn ăn cho khoảng mười hai người. Đầu tư tốn kém nhất cho cái bếp, khoảng 300 triệu đồng, có đầy đủ lò nướng, lò viba, bếp nấu điện từ rất sạch sẽ. Hệ thống nước nóng được làm từ năng lượng mặt trời, tiết kiệm tối đa về năng lượng. Nhiều người nói tôi nghèo mà xa xỉ, nhưng tôi nghĩ không phải, cái bếp đắt mà thành rẻ, vì nó thực sự là trái tim của ngôi nhà, để mọi người quây quần chia sẻ. Đồ dùng đẹp và tiện ích nên cả mẹ và con đều hăng hái làm món này món nọ. Tôi rất vui, dù diện tích ngôi nhà mới chỉ bằng một phần ba nhà cũ, nhưng ngôi nhà ấm áp hơn, mọi thành viên trong gia đình cũng bớt ăn cơm ở ngoài, bớt căng thẳng, bớt buồn.
- 239
- By Admin
- 13/08/2013
- 17