• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ngoại thành Hà Nội: Dân bỏ ruộng, găm đất chờ dự án

Hàng trăm dự án tại Hà Nội được phê duyệt ồ ạt cách đây vài năm. Hàng chục nghìn người dân khấp khởi mừng thầm khi mảnh đất tổ tiên sắp biến thành những khu đô thị hiện đại, lộng lẫy. Thế nhưng, sự thật của câu chuyện này ra sao? Bức tranh dự án vàng, biệt thự, chung cư, trung tâm mua sắm xa hoa giờ thế nào? 

Đất nông nghiệp bất động trơ gan cùng tuế nguyệt

Đi dọc đại lộ Thăng Long trên địa phận huyện Từ Liêm, những cánh đồng mênh mông vẫn xanh một màu xanh bất tận. Chỉ có điều đó không phải là màu xanh của lúa mà bao trùm trên nhiều diện tích đất nông nghiệp ở đây là màu xanh tốt của cỏ dại um tùm quấn lối.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đang rơi vào tình trạng bất động. Khu nằm “kẹt” giữa các dự án, khu đô thị không bị hoang hóa thì ngập chìm trong nước. Nhiều khu dù chưa có dự án nông dân cũng bỏ mặc.

Hộ bà Đỗ Thị Mạnh (Thôn Phú Đô – Mễ Trì – Từ Liêm) cho biết: “Phần lớn diện tích đất ruộng của gia đình đã được đền bù trong các dự án trước đây. Ruộng giờ đây chỉ còn một ít nhưng việc cấy hái giờ vất vả mà không năng suất nên chúng tôi chuyển sang đi chạy chợ, bán bún chứ không cấy nữa. Hai, ba năm trước còn cho mượn ruộng, bây giờ chỉ bỏ không để đấy”.

Ngoại thành Hà Nội: Dân bỏ ruộng, găm đất chờ dự án | ảnh 1
Người nông dân băn khoăn trên những thước ruộng vốn là kế sinh nhai của mình

Qua con đường quốc lộ 32 ngổn ngang hàng chục những dự án đang “ngắc ngoải” trên những chân ruộng trước kia của các xã Kim Chung, Đức Giang, Sơn Đồng, thị trấn Trạm Trôi, xã Di Trạch... chúng tôi đến xã Đức Thượng – Huyện Hoài Đức – Hà Nội. Vốn là một trong những xã có năng suất lúa nhất nhì của huyện Hoài Đức với bình quân đất nông nghiệp mỗi lao động đạt 1,3 sào đến nay ruộng đồng Đức Thượng cũng trở nên “xôi đỗ”.

Theo thống kê của UBND xã Đức Thượng, tính đến tháng 5/2012, toàn xã có 11,2ha đất nông nghiệp màu mỡ chuyên cấy 2 vụ lúa/năm, nay bỏ hoang không sản xuất, trong đó thôn Thượng có nhiều diện tích bỏ hoang nhất.

Chỉ tay theo những khu ruộng bỏ không loang đầy cỏ dại chị Nguyễn Thị Bích (Thôn Thượng – Xã Đức Thượng) thở dài: “Nhìn ruộng bỏ hoang chúng tôi cũng tiếc lắm. Chúng tôi đều là nông dân lớn lên từ đồng ruộng nhưng đến bây giờ nói thật là làm nông không có được hiệu quả cao nữa. Được khoảng 2 tạ/sào trừ đi các chi phí, dịch vụ thì người nông dân còn được là bao. Làm cả vụ bấp bênh mà năng suất chắc gì đã bằng cả tháng chạy chợ”.

Cứ như thế những “tấc đất, tất vàng” ngày nào chìm dần trong nước, hoang vu với cỏ. “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu” nghe lại câu ca dao xưa mà nhiều người chỉ biết lặng người ngày nay, “tấc đất, tấc vàng” nông dân cũng bỏ rồi?

“Găm” đất chờ dự án

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trong đó quy định chế tài mạnh đối với việc bỏ hoang đất và tăng hỗ trợ cho nông dân và địa phương giữ đất trồng lúa trong đó khẳng định: "Khi chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án, thực hiện dự án không đúng tiến độ để đất hoang hóa sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai", Nghị định quy định rõ. Đặc biệt, cấm bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ 2 năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng. Đồng thời đề ra nhiều hỗ trợ đối với người nông dân để “bảo toàn” đất lúa.

Ngoại thành Hà Nội: Dân bỏ ruộng, găm đất chờ dự án | ảnh 2
Quanh những chân ruộng thời đô thị hóa là những câu chuyện khóc cười ra nước mắt

Trên thực tế, đất ruộng bị bỏ hoang, người nông dân không chỉ chán ruộng, không mặn mà với việc cày cấy mà sau những đợt được đền bù, giải tỏa nhiều người dân còn có tâm lý bỏ hoang ruộng chờ đền bù lĩnh tiền cục. Nhiều khi họ đặt niềm tin vào thửa ruộng của chính mình với những dự đoán mơ hồ kiểu: Ruộng ở gần quốc lộ thế này rồi sớm muộn cũng có dự án về hay bên kia đã có dự án đầu tư thì chẳng mấy chốc họ sẽ phải lấy nốt bên này để phát triển nên nông dân thà thất nghiệp, bỏ hoang ruộng để chờ dự án về.

Và câu chuyện của người nông dân thời đô thị hóa với đồng ruộng, dự án, đền bù, giải tỏa là bao thăng trầm với những cuộc lột xác thăng trầm chứa đựng nụ cười và cả những giọt nước mắt mặn chát.

(Theo Vland)

  • 0
  • By Admin
  • 08/08/2012
  • 17