Nghịch lý nhà ở cho công nhân: Thừa mà thiếu
Bất tiện, mất tự do
Chị Nguyễn Thị Đào (quê Nam Định), hiện đang làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II (quận Thủ Đức) cho hay, chị không thích sống trong nhà lưu trú dành cho công nhân. Bởi vì, ở nhà lưu trú rất bất tiện như chỉ cho người độc thân ở, không được tiếp khách trong phòng hay người thân, bạn bè tới thăm đều phải ở bên ngoài,… Những quy định này đã làm mất tự do cá nhân rất nhiều.
Chính vì cảm thấy bất tiện mà hơn 10 năm nay, chị Đào phải chấp nhận đi thuê phòng trọ bên ngoài để ở dù cho phòng trọ khá chật chội và không tiện nghi. Nhưng chị cho biết, sẽ tiếp tục thuê phòng trọ cho tới khi nào dành dụm đủ tiền mua căn nhà nhỏ chứ gia đình chị nhất định không chịu ở nhà lưu trú dành cho công nhân.
Qua khảo sát của phóng viên đối với một số công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) trên địa bàn TP cho thấy, những bất tiện khiến nhà lưu trú tại các KCX- KCN không thu hút công nhân vào ở là do xa nơi làm việc, giá thuê cao, không có chỗ cho người thân vào thăm, không cho nấu ăn,… Trong khi đó, hiện Tp.HCM có gần 280 nghìn công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN nhưng hơn 90% phải đi thuê trọ bên ngoài do nhà lưu trú chỉ mới đáp ứng khoảng 9% nhu cầu nhà ở của họ.
Theo ông Trần Công Khanh, Chánh văn phòng Ban quản lý KCN-KCX Tp.HCM, trong số các dự án nhà lưu trú dành cho công nhân thì chỉ có 2 khu nhà lưu trú của Công ty cổ phần Phát triển KCN Hiệp Phước và Công ty Sadeco (ở KCX Tân Thuận) đạt tỷ lệ lấp đầy cao từ 70 - 99%. Hầu hết các nhà lưu trú còn lại có tỷ lệ lấp đầy chỉ từ 10-30%. Đơn cử như nhà lưu trú KCN Vĩnh Lộc chỉ đạt 10%, hay nhà lưu trú của công ty Đức Bổn (KCX Tân Thuận) chỉ đạt 30%,…
Nhiều khu nhà lưu trú dành cho công nhân vẫn thiếu công nhân đến ở. (Ảnh chụp tại khu nhà lưu trú công nhân ở Linh Trung, Thủ Đức) |
Ông Khanh cho biết, sở dĩ có tình trạng này là bởi khi xây dựng, nhà đầu tư chưa tính toán hết nhu cầu thực tế của công nhân. Chẳng hạn, theo quy hoạch xây dựng thì chúng ta bố trí nhà cho ở tập thể dành cho người độc thân vì vậy khi công nhân lập gia đình không có nơi sinh hoạt riêng biệt đương nhiên họ sẽ phải dọn ra ngoài sống. Thêm nữa, do phần lớn công nhân đều từ nông thôn ra TP kiếm sống, nên dù làm công nghiệp nhưng vẫn quen tác phong, nếp sống nông nghiệp, do đó họ dễ cảm thấy bị gò bó và bất tiện khi vào ở trong nhà lưu trú.
Cần có chính sách hỗ trợ
Tại kỳ tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM diễn ra mới đây, nhiều cử tri cho rằng Tp.HCM cần có thêm những chính sách hỗ trợ về nhà ở cho công nhân. Nhưng theo ông Trần Công Khanh, điều khó nhất hiện nay là không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư bởi thiếu vốn đầu tư. Theo ông Khanh, khi khảo sát nhu cầu xây nhà ở cho công nhân, phần lớn doanh nghiệp cho rằng họ muốn tham gia vào đầu tư nhà ở cho công nhân song họ vẫn gặp khó khăn về giá và thuế đất vẫn còn cao, thiếu vốn đầu tư,… Do đó, nhà nước cần có những chính sách về vốn và thuế thiết thực hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cùng quan điểm với ông Khanh, Giám đốc công ty Thiên Phát Nguyễn Văn Lợi chia sẻ, khi xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, công ty phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đồng hành cùng TP chăm lo cho đời sống công nhân. Nhưng về lâu dài, công ty không thể hoạt động bằng tấm lòng với người lao động mà cần có chính sách hỗ trợ hợp lý từ phía nhà nước. Đơn cử như nhà nước nên miễn tiền thuê đất, sử dụng đất, miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp trong 5 năm… để doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận và tích lũy tái đầu tư thêm nhiều công trình nhà lưu trú, nhằm phục vụ thêm nhiều công nhân. Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên hỗ trợ giá thuê nhà cho công nhân để công ty có điều kiện hạ giá thành nhà thuê nhà nhằm thu hút thêm nhiều công nhân vào ở.
Ông Khanh cho rằng, để nhà lưu trú thu hút được nhiều công nhân, thì phía nhà đầu tư khi xây dựng cần khảo sát nhu cầu sinh hoạt, ăn ở thực tế của công nhân để có cách bố trí xây dựng phòng ốc phù hợp. Ví dụ như bố trí các phòng nghỉ riêng dành cho người thân công nhân đến thăm, cần thay đổi các quy định về giờ giấc, đầu tư thêm cơ sở vật chất để nâng cao đời sống tinh thần của công nhân bằng các hoạt động văn hóa - thể thao… Đồng thời, công nhân cũng nên thay đổi cách sống cho phù hợp với tác phong công nghiệp, đô thị. Làm như vậy thì công nhân mới được ở trong những căn phòng khang trang, tiện nghi thay vì phải sống thiếu thốn, chật chội khi ở phòng trọ bên ngoài.
- 0
- By Admin
- 20/10/2015
- 17