Nghị định 88/2009: “Mở cửa” cho nhiều ngôi nhà không phép
Theo đó, hàng vạn ngôi nhà lỡ xây không phép trước tháng 7/2006 sẽ có cơ hội được cấp chủ quyền nếu như không vướng quy hoạch, không có tranh chấp. Ngoài việc “giải quyết hậu quả lịch sử ”liệu đây có là cơ hội cho tiêu cực phát sinh?"Vạn nhà thoát, triệu người vui
Để hợp thức hóa, những ngôi nhà không phép sẽ phải chứng minh được xây dựng trước 1/7/2006. Ảnh minh họa |
Theo Bộ Xây dựng, nhà không phép chiếm tới 24% trên tổng số công trình xây dựng. Đặc biệt, trong năm 2006 con số này lên tới 34%. Các năm tiếp theo, ở các đô thị lớn, lượng nhà không phép lại tiếp tục mọc lên với tốc độ rất nhanh. Đầu năm 2009, TP.HCM dẫn đầu với 11.000 ngôi nhà không phép, tiếp đến là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... Sở Xây dựng của những thành phố trên đã nhiều lần đề xuất hướng xử lý những công trình vi phạm nhưng nhiều nơi vẫn “bó tay là chính”.
Về nguyên tắc, xây dựng nhà không phép là sai. Tuy nhiên, đây là hậu quả của quá trình quản lý đô thị kém, chưa thực hiện đúng quy hoạch và ý thức người dân chưa được nâng cao. Cứ vậy, việc đập bỏ hàng ngàn căn nhà để “lập lại kỷ cương” hay cho phép tồn tại luôn là bài toán khó với chính quyền. Vậy nhưng, sau ngày 10/12 tới, chủ những ngôi nhà xây dựng không phép trước tháng 7/2006 có thể thở phào nhẹ nhõm bởi sẽ được hợp thức hoá mà không cần có điều kiện tài chính nào khác kèm theo.
Đây quả thực là tin vui với hàng triệu người dân. Anh Hồ Chính Yên ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội phấn khởi: “Tôi rất vui vì không ai muốn xây dựng những ngôi nhà không được thừa nhận nhưng do đất ở khu này bị quy hoạch rồi để đấy quá lâu, trong khi chúng tôi lại thiếu chỗ ở nên đành phải xây đại. Cuối cùng dự án cũng không thực hiện mà đẩy chúng tôi vào tình thế xây nhà “chui”. Bây giờ Nghị định 88 tạo ra lối thoát thì còn mong gì hơn thế”. Bà Võ Thị Hằng, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP.HCM còn cho rằng: Việc cấp giấy chứng nhận cho nhà không phép xét về khía cạnh nào đó là một chủ trương “có hậu”!
Nguy cơ... “đi cửa sau”
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại khác phía sau một số quy định trong Nghị định mới này. Theo Nghị định 88 (khoản h, mục 1, điều 8), người dân sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh việc tạo lập nhà ở hợp pháp (như giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, giấy tờ giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, giấy tờ về sở hữu nhà, quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước giải quyết được quyền sở hữu nhà ở) nhưng phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã phường xác nhận nhà được xây dựng trước ngày 1/7/2006, nhà ở không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp với quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất...
Nhiều ý kiến cho rằng việc nghiễm nhiên cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở cho những ngôi nhà không phép mà không có điều kiện tài chính khác kèm theo, nhất là lại giao việc xác nhận thời gian cho UBND xã, phường sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực. Ông Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Bất động sản Hùng Sơn, Hà Đông (Hà Nội) nhận định: “Nếu không có những quy định chặt chẽ và cơ quan giám sát sẽ có rất nhiều chủ ngôi nhà xây dựng không phép “đi cửa sau” để có tờ giấy chứng nhận của cấp xã, phường là nhà của họ được xây dựng trước 1/7/2006. Nghĩa là song song với việc hợp thức hoá những ngôi nhà xây dựng không phép sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực từ cấp chính quyền xã, phường”.
Tuy nhiên, TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Việc cấp giấy chứng nhận cho những ngôi nhà không phép theo quy định của Nghị định 88 là một cách giải quyết lịch sử. Vì người dân đã xây dựng không phép trong thời gian nào đó do không quản lý được hoặc do những điều kiện hệ thống quản lý không đáp ứng được việc xin cấp phép. Trước thời điểm quản lý chặt chẽ, cần giải quyết cho những cái chưa đủ điều kiện trong lịch sử”.
Hàng chục nghìn căn nhà xây dựng không phép trước ngày 1/7/2006 đã có lối thoát. Song, lợi ích xã hội và sự công bằng cũng đòi hỏi các cấp chính quyền cần thật sự sát sao để hạn chế những tiêu cực có thể nảy nở.
Nên lập hội đồng xác nhận
Theo TS Đặng Hùng Võ, rất nhiều loại giấy tờ nếu không dựa vào xã, phường thì cũng không biết dựa vào đâu. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra thì việc cấp giấy xác nhận của UBND xã, phường phải thành lập hội đồng. Trong hội đồng phải có người lớn tuổi ở địa bàn các thành phần tổ chức xã hội khác như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… Đồng thời, đặt ra trình tự thủ tục để xã, phường xác nhận… |
Theo Gia Dinh
- 172
- By Admin
- 09/11/2009
- 17