Nghị định 69 về tiền sử dụng đất: Ba bên cùng khó
Ngày 3.6, tại TPHCM đã diễn ra một buổi tọa đàm xung quanh vấn đề tiền sử dụng đất được quy định tại Nghị định 69. Nghị định 69 (về quy hoạch sử dụng đất, giá đất bồi thường hỗ trợ tái định cư) được Chính phủ ban hành vào tháng 9.2009, trong đó quy định doanh nghiệp (DN) phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Kể từ khi có quy định này, việc thu tiền sử dụng đất đã bị đình đốn do các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xác định đâu là giá thị trường. Trong khi đó, các DN thì không ngớt kêu vì không kham nổi khoản tiền sử dụng đất quá cao.Mua đất 2 lần
Trước đây, các DN kinh doanh bất động sản (BĐS) khi thực hiện dự án, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất DN đóng cho ngân sách dựa trên bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành. Thế nhưng kể từ khi Nghị định 69 ra đời quy định DN phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường, chứ không đóng theo bảng giá đất do UBND tỉnh, thành trực thuộc TƯ ban hành như trước đây.
Mới đây, UBND TPHCM đã có một quyết định cụ thể hóa các quy định của Nghị định 69. Điều này dẫn đến chuyện, DN phải mua đất 2 lần. Lần 1, mua đất của người có quyền sử dụng theo giá thỏa thuận. Lần 2 nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Trong khi đó, việc khấu trừ vẫn theo giá do Nhà nước ban hành. Điều này đã gây không ít bức xúc cho DN cũng như gây lúng túng cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất theo giá thị trường.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Ngọc Tú – Giám đốc Cty Nhà Bình Dân bức xúc phản ánh: “Dự án tôi làm 14.000m2, cuối năm 2009 khi thành phố giao cho Cty chúng tôi xây dựng đất ở để giải quyết TĐC cho dự án cải tạo kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) nguời ta hướng dẫn qua cục thuế của sở tài chính để nộp thuế. Chúng tôi qua Cục thuế thì được hướng dẫn qua Sở Tài chính, từ Sở Tài chính lại bảo thông qua Cty tư vấn định giá để ký hợp đồng. Cuối cùng qua Cty tư vấn xong lại cho rằng mức thuế là hơn 3 triệu/m2. Theo Nghị định 69, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp cho dự án 14.000m2 là hơn 57 tỉ. Tôi xin rút lại và gửi đơn cầu cứu vì quá vô lý”.
Ông Trần Minh Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Vinaland - bày tỏ quan điểm: “Xác nhận thị trường là thị trường nào, thị trường của nhà đầu tư hay thị trường đầu vào, nếu theo cách tính hiện nay thì đó là thị trường đầu ra, nếu tính thị trường đầu ra mà lại tính thu thuế theo thị trường đầu vào thì giá thị trường lại khác, thị trường phải là thị trường đầu vào của DN.
Thứ hai, dự án của chúng ta dài 3 năm, trong quá trình dài như vậy mà khi thu thuế chúng ta lại thu ở cuối, thì cái đó là vô lý, DN nào dám làm(?!). DN khi tính toán làm sẽ phải tính toán xác định đền bù bao nhiêu, chi phí cho cơ quan nhà nước là bao nhiêu, với cách thu như thế này thì Nhà nước luôn trong tình trạng đặt dao vào cổ DN. Như vậy thì làm sao tồn tại được(?!).
Khó cho cả ba bên
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho biết, từ khi Nghị định 69 có hiệu lức đến nay chưa có DN nào ở TPHCM đóng tiền sử dụng đất vì thủ tục xác định giá thị trường quá phức tạp. Không chỉ vậy, những hệ lụy từ quy định của nghị định này đang khiến nhiều dự án đình trệ, DN bất động sản có nguy cơ... phá sản.
Việc xác định giá đất theo giá thị trường đã làm cho các cơ quan chức năng lúng túng. Bằng chứng chính là việc sở này đẩy qua sở kia và cuối cùng là DN phải thuê tư vấn xác định giá đất để làm cơ sở tính tiền sử dụng đất.
Nhiều DN phản ánh từ 8 tháng nay họ xin đóng tiền sử dụng đất nhưng chưa được. Vì vậy tiền sử dụng đất còn bị "treo", DN không dám bán hàng vì sợ bị bán dưới giá vốn do tiền sử dụng đất quá cao. Hành trình nộp tiền sử dụng đất của DN sao mà khó khăn và rắc rối! Tiền sử dụng đất cao, DN gặp khó khăn, cơ quan nhà nước lúng túng, còn người có nhu cầu mua nhà thì đứng trước nguy cơ giá nhà đất sẽ tăng cao. Như vậy là khó cho cả 3 bên.
Ông Lương Trí Thìn – TGĐ Cty Đất Xanh cho biết: “Tiền sử dụng đất hiện nay nên tính theo bảng giá đất hằng năm của Nhà nước. Nếu tính theo quy định của Nghị định 69 sẽ gây biến động cho thị trường nhà đất”.
Ông Lê Ngọc Tú đề xuất: “Nếu Chính phủ cho phép thu thuế 20% theo giá thị trường thì Nhà nước nên ưu tiên cho phép nộp theo giá thị trường. Nhà đầu tư nên thương lượng với dân để được đầu tư. Giá bán ra thị trường bao gồm giá đất nông nghiệp mua, chi phí dịch vụ cây xanh, chi phí xây dựng hạ tầng, điện, nước, giá trị gia tăng... mới ra được giá thị trường, giá thị trường bao gồm tiền nộp cho Nhà nước, tiền nộp cho nhân dân, tiền sử dụng đất...”.
Một vấn đề khác cũng khiến các DN lo lắng đó là số phận các dự án hiện đang còn nợ tiền sử dụng đất sẽ tính như thế nào. Ông Trần Minh Hoàng đặt vấn đề: “Hiện nay có nhiều dự án đã bán mà chưa đóng tiền sử dụng đất việc tính toán với giá bán cách đầy 5-7 năm thì DN lỗ nặng...”.
Theo Lao Động
- 0
- By Admin
- 04/06/2010
- 17