• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nghệ An: 8 năm khốn khổ với dự án chờ triển khai

Mòn mỏi 8 năm vì dự án treo

Dự án xây dựng nhà máy xi măng Đô Lương bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2006 thuộc dự án trọng  điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 1461 ngày 27/9/2005. Tuy nhiên, đến nay, nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động trong khi hàng chục hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng vẫn sống trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì chưa được đền bù để di dời.

Theo tìm hiểu, người dân nơi đây mong muốn chuyển qua khu tái định cư song do chưa có tiền đền bù đang “bị hoãn” nên 8 năm nay, họ vẫn phải cố gắng bám trụ khu vực này.

dự án treo
Ngôi nhà của ông Hoàng Đình Hồng đang ngày một xuống cấp nhưng không được
phép sửa

Ông Hoàng Đình Hồng (SN 1932) trú tại xóm 1, xã Bài Sơn, cho biết: “Chỉ một số ít hộ dân xung quanh đã nhận tiền đền bù và chuyển qua khu tái định cư nhưng vẫn còn nhiều nhà gần chục năm nay vẫn chưa thấy động tình gì. Mỗi khi mùa mưa lũ về, nhà thì dột, đường đi hư hỏng nên sinh hoạt, đi lại rất khổ”.

Các hộ dân ở đây cũng đã lên cơ quan chức năng mong sớm được giải quyết song vẫn chưa có hồi đáp. Khi dự án chưa thực thi, dân không dám xây nhà cửa trên vùng đất của không phải của mình.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh (SN 1952) chia sẻ: “Nhà chỉ còn 2 ông bà, con cháu đi làm ăn xa. Giờ, ông nhà tôi lại yếu nên chỉ mong sớm ổn định nhà cửa để an dưỡng lúc về già. Cứ trì hoãn, nhập nhằng suốt nhiều năm vậy, chúng tôi mệt mỏi lắm’.

sống khổ trong dự án treo
Nhiều hộ dân ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) sống trong cảnh dột nát
nhiều năm qua

Trong khi đó, anh Lê Văn Chính (SN 1960, một hộ dân ở đây cho biết: “Dù chúng tôi thuộc diện giải phóng mặt bằng song 8 năm nay vẫn chưa được di dời. Mỗi lần mưa, nước tràn vào lênh láng. Khi chúng tôi chuẩn bị sửa và nâng cao nhà cho nước đỡ vào thì ban giải phóng mặt bằng của xã đến tiến hành đo đạc và yêu cầu gia đình ký vào biên bản giữ nguyên hiện trạng căn nhà chờ ngày giải tỏa”.

Anh Chính cho biết thêm, anh không dám xây, tu sửa lại nhà vì sợ bị phạt. Toàn bộ hiện trạng của ngôi nhà đã được ban giải phóng chụp ảnh, quay phim và lưu lại.

Dân chỉ biết ngồi chờ

Trao đổi với ông Thái Đình Lợi, Chủ tịch xã Bài Sơn, được biết,  từ năm 2006 đến năm 2008, có 19 hộ dân chia làm 2 đợt được di dời đến khu tái định cư theo diện giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Nhà máy xi măng Đô Lương. 35 hộ còn lại vẫn đang chờ Nhà máy xi măng Đô Lương đi vào hoạt động bởi dự án này là của phía trên, UBND xã chỉ làm theo quy định.

dự án treo 1
Đơn xin được di dời chỗ ở nhưng mãi 8 năm vẫn chưa được giải quyết

Sau nhiều lần đề xuất, cuối cùng UBND huyện Đô Lương cũng gửi công văn xuống cho phép dân tu sửa, cơi nới nhà cửa nếu làm đơn đề nghị. Tuy nhiên, trong công văn đó cho phép “tu sửa, cơi nới nhẹ” chứ không được xây mới (?!).

Lý giải điều này, đại diện UBND huyện cho biết, huyện đã làm hết mức có thể và mọi việc bây giờ phải chờ dự án nhà máy xi măng Đô Lương chính thức đi vào hoạt động mới có thể tiếp tục di dời người dân.

Về phía dự án chậm tiến độ, trì trệ suốt nhiều năm liền gây bức xúc cho dân, phía lãnh đạo UBND huyện Đô Lương cũng đã có phản ứng gay gắt với bên chủ đầu tư. Tuy nhiên, do vấn đề ngân sách dự án còn phức tạp nên đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, khu tái định cư vẫn còn đang dang dở nên người dân vẫn chưa thể di dời đến sống tại đó.

Theo thông tin nhận được, trước ngày 2/9, UBND tỉnh Nghệ An, cùng Ban dự án xây dựng nhà máy Xi măng Đô Lương sẽ có câu trả lời chính thức. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 10 ngày trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh.

  • 0
  • By Admin
  • 17/09/2014
  • 17