Ngày Tết tìm hiểu về bàn thờ Tổ tiên
Niềm tin bất tử
Các gia đình Việt Nam thường có bàn thờ tổ tiên, to hay nhỏ tuỳ hoàn cảnh từng nhà nhưng cần đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ, trên đó đặt ba bát hương, hai lọ hoa, ảnh của những người thân đã mất, hai cái dĩa đẹp để bày đồ cúng, một chai rượu, bộ ấm chén... Hàng tháng cứ ngày mùng 1 và rằm âm lịch, con cháu thắp hương cúng tổ tiên, ông bà đã khuất, dù chỉ vài bông hoa tươi, bát nước, nải chuối… Trong năm có nhiều ngày lễ lớn như Thanh minh tảo mộ tháng ba âm lịch, tết Đoan Ngọ tháng năm, rằm tháng bảy xá tội vong nhân, tết Trung thu, tết Nguyên đán... là dịp để các gia đình tổ chức cỗ bàn, bánh trái cúng bái tổ tiên, gặp gỡ bà con, thăm hỏi họ hàng.
Đối với người Việt, kỷ niệm ngày sinh không quan trọng bằng ngày giỗ người thân. Thông thường sau tang lễ người đã mất, gia đình làm lễ cúng ba ngày, rồi 49 ngày, đến giỗ đầu thì làm rất trang trọng. Sau đó, hàng năm cứ đúng ngày người thân đã mất gia đình đứng ra tổ chức ngày giỗ, mời bà con họ hàng đến cúng bái và ăn giỗ. Dù gia đình nghèo cũng có mâm cơm, thắp hương cúng bái, mời vài người thân đến dự. Sự vắng mặt của họ hàng trong những ngày giỗ là nỗi khổ tâm của gia chủ và cũng là sự ân hận của những người được mời mà không đến dự được (vì họ cũng coi đây là trách nhiệm cần có mặt trong những ngày trọng đại).
Nguyên nhân sâu xa của việc thờ cúng ông bà tổ tiên, cúng giỗ người thân đã mất là đối với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, nhiều người vẫn cho rằng có sự hiện diện của tổ tiên trong cuộc sống thường ngày của gia đình. Họ tin tưởng vào sự phù hộ của tổ tiên đối với họ. Đối với những việc trọng đại xảy ra trong gia đình, gia chủ cúi đầu khấn vái tổ tiên, trước là để trình bày sự kiện, sau là xin tổ tiên phù hộ.
Lấy quá khứ vun đắp tương lai
Trước tiên, việc thờ phụng tổ tiên thể hiện lòng tri ân đối với công ơn của ông bà cha mẹ đã khuất. Thứ hai, giúp cha mẹ giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ của mình. Sau nữa, cúng giỗ tạo cơ hội tốt nhất để phát triển mối quan hệ anh em, họ hàng cùng dòng họ, cùng nguồn gốc máu mủ. Ngày giỗ, ngày tết là những dịp tập hợp đầy đủ họ hàng, thân thích gần xa, trước là để cúng bái tổ tiên, sau là để chuyện trò, thăm hỏi, chia sẻ vui buồn, khó khăn, tìm cách giúp đỡ nhau. Ngay ở thành thị, vẫn có phong tục hàng năm cứ dịp tết Nguyên đán, anh em cùng dòng họ tập hợp nhau về quê thắp hương ở nhà thờ tổ và đi tảo mộ.
Do vậy, những ngày giỗ tết của gia đình không cần mâm cao cỗ đầy, điều quan trọng là khi chúng ta cúng bái tổ tiên thì phải tự hứa không làm ô danh họ, biết nối tiếp truyền thống dòng họ, làm tốt nghĩa vụ người con trong gia đình, người công dân của đất nước. Đây cũng là một dịp để giáo dục con cái biết phát huy và làm rạng rỡ công đức các thế hệ đã qua.
Đừng biến tín ngưỡng thành mê tín
Có những kẻ đã lợi dụng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, giỗ chạp để bói toán, lên đồng, giải hạn… Có những gia đình hay đi xem bói để hỏi họ cần làm gì để tổ tiên phù hộ… không chỉ tốn tiền tốn của, mà còn làm phát triển nạn mê tín dị đoan, có hại cho xã hội.
Chúng ta cũng không ủng hộ những gia đình giàu có, có chức có quyền (nhiều khi do mưu mô xảo quyệt, thất đức mà đạt được) nhân dịp giỗ tết của gia đình đã tổ chức linh đình, làm cỗ sang trọng, mời nhiều khách đến dự, đặc biệt là cấp trên có quyền lực. Họ muốn thông qua việc tổ chức giỗ tết, ăn uống để giải quyết các mối quan hệ làm ăn, lợi dụng phong tục thờ cúng tổ tiên để mưu lợi cho cá nhân và gia đình, chứ không phải từ lòng thành tâm đối với ông bà cha mẹ đã khuất. Chắc chắn tổ tiên họ không thể phù hộ cho những ý định xấu xa ấy.
Chúng ta cũng không ủng hộ hiện tượng gia đình chủ nghĩa, dòng họ chủ nghĩa, cậy uy thế dòng họ để bắt nạt người khác, lợi dụng ưu thế thân thích để tìm kiếm chức tước, danh vị, đặc quyền…
Thờ phụng tổ tiên là nhớ đến công đức của ông cha nhiều đời. Từ đó, anh em máu mủ ruột thịt cùng nhau đoàn kết, giúp nhau làm điều thiện, tránh điều ác. Ý nghĩa tinh thần của tình cảm ấy sẽ trở thành sức mạnh vật chất, giúp cá nhân và các thành viên vượt lên mọi khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc.
GS.TS Lê Thi, Nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu gia đình và giới
(Theo SGTT)
- 207
- By Admin
- 25/01/2014
- 17