Ngành quy hoạch không được phép sai!
kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Tp.HCM chia sẻ: “Các ngành nghề khác nếu lỡ sai một chút còn có thể sửa sai được, riêng ngành y và ngành quy hoạch là không được phép sai. Những sai sót của các ngành này đều dẫn đến hệ lụy rất ghê gớm, thậm chí không còn cơ hội để sửa chữa…”.- Ông đánh giá thế nào về kiến trúc đô thị tại Tp.HCM hiện nay?
+ Trước hết phải khẳng định trong quy hoạch kiến trúc, cái đẹp cần phải đặt hài hòa trong một tổng thể chung. Tp.HCM có nhiều khu rất đẹp, mang đậm dấu ấn lịch sử như chùa Vĩnh Nghiêm, đình Lê Văn Duyệt, chợ Bình Tây, chợ Sài Gòn… Bên cạnh đó là những công trình mang hơi thở của thời đại như các khu đô thị mới, các trục đường giao thông lớn như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường vành đai… Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì kiến trúc chung của đô thị TP khá lộn xộn. Nếu TP có một chính sách đồng bộ về đất đai, giao thông và kiến trúc ngay từ đầu thì việc giải quyết bài toán về tổng thể kiến trúc đô thị dễ dàng hơn nhiều.
- Vậy ông “đọc” câu chuyện về quy hoạch của TP hiện nay như thế nào?
+ Nhiều nước trên thế giới không dùng từ “quy hoạch” mà là “kế hoạch”, bao gồm kịch bản tổng thể, cách thực hiện, thời gian, tiền bạc và người chịu trách nhiệm. Ở ta, việc quy hoạch thường theo hình tháp từ trên xuống và lại giao cho các quận, huyện thực hiện từ dưới lên nên dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Cạnh đó, những dự án do tư nhân thực hiện thường quy hoạch theo kiểu phân lô, chia nhỏ với một bố cục lộn xộn, hình thành nên những khu vực vừa ở, vừa buôn bán, vừa sản xuất. Tình trạng này kéo dài khiến quỹ đất của TP ngày càng cạn kiệt, bộ mặt của đô thị cũng kém mỹ quan.
Việc hình thành những đô thị vệ tinh là một biện pháp hữu hiệu giúp chấn chỉnh tình trạng quy hoạch còn nhiều vướng mắc như hiện nay. Ảnh: Việt Hoa |
Theo tôi, chúng ta cần sớm thay đổi tư duy về quy hoạch. Cụ thể, Nhà nước nên đứng ra đầu tư hạ tầng chung, xây dựng các khu tái định cư, hình thành các lô đất sạch rồi mới bán đấu giá cho tư nhân. Khi đó, Nhà nước thu lại nguồn tiền khổng lồ nhằm tái đầu tư về nhà ở xã hội, hạ tầng giao thông… Như vậy cả người dân, nhà đầu tư, Nhà nước đều được lợi.
- Ông có nhắc đến một chính sách đồng bộ để giải quyết bài toán về quy hoạch đô thị của TP. Việc áp dụng các chính sách này vào đô thị Tp.HCM đang ở mức độ nào, thưa ông?
+ Để giải quyết được bài toán về đô thị không phải chỉ muốn là được mà phải hình thành từ chính sách. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách về đất đai, về giao thông và về kiến trúc đô thị. Các chính sách trên của ta hiện nay đều chưa rõ ràng, chẳng hạn chính sách về đất đai hiện đang làm lợi cho các nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội. Thử nhìn sang nước láng giềng là Trung Quốc, vốn có hình thái rất giống Việt Nam. Ở đó, chính quyền không cho phép mua bán đất đai ở nông thôn mà để dùng làm quỹ đất dự trữ và chính phủ đầu tư xây dựng những khu đô thị ngăn nắp, trật tự. Họ cũng không cho người dân tự phân lô hộ lẻ nên không có tình trạng xuất hiện những ngôi nhà ổ chuột, siêu mỏng, siêu méo. Bên cạnh đó là cách tổ chức giao thông khoa học nên không có hình thái kinh tế “mặt tiền” hay buôn bán trên vỉa hè.
- Còn cái khó nhất của vấn đề quy hoạch hiện nay là gì?
+ Tôi có cảm giác Nhà nước đang bao cấp về vấn đề quy hoạch và xây dựng. Chính tư tưởng đó sinh ra một bộ máy quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong cả nước rất tốn kém nhưng hoạt động không hiệu quả. Thêm vào đó là các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Quy hoạch kiến trúc đô thị TP hiện nay chủ yếu là của tập thể và không mang dấu ấn cá nhân. Khi đã là của tập thể thì không ai chịu trách nhiệm và khó có được những tác phẩm quy hoạch kiến trúc mang dấu ấn thời đại.
(Theo PLTPHCM)
- 0
- By Admin
- 22/02/2011
- 17