Ngân hàng quay lưng với BĐS là sai lầm?
Thắt lưng buộc bụng, xoay sở và chờ đợi...
Trong bối cảnh lạm phát, vấn đề tài chính đóng vai trò lớn, trong đó ngành BĐS không nằm ngoài cuộc. Hiện nay, những doanh nghiệp có dự án đang triển khai thì gặp rất nhiều khó khăn.
Những doanh nghiệp có những dự án chưa triển khai thì có xu hướng chung là chờ cho những chỉ số về kinh tế vĩ mô nó ổn định hơn. Tất cả các doanh nghiệp phải tự điều chỉnh thích nghi và tìm mọi cách để cải thiện tình hình huy động vốn.
Trong khi các ngân hàng ngày càng siết chặt việc cho vay BĐS, vấn đề huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp được đặt ra.
Nhưng theo ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Vinaland: "Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phát hành trái phiếu được. Có những doanh nghiệp được hỗ trợ từ ngân hàng và khi người ta tin vào doanh nghiệp đó có nghĩa là người ta tin vào ngân hàng, như vậy họ mới khả năng phát hành được trái phiếu".
Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc công ty cổ phần thương mại địa ốc Thanh Bìnhchỉ ra rằng: "Huy động trái phiếu là việc tạm thời. Đây chẳng qua là hợp đồng vay mượn tiền. Hợp đồng góp vốn vẫn tốt hơn hợp đồng vay mượn này do nó bị chi phối bởi luật dân sự".
Bởi vậy trong thời điểm này, các doanh nghiệp cho biết, họ buộc phải "thắt lưng buộc bụng", tự xoay sở và chờ đợi. Chứ còn với lãi suất và lạm phát như hiện nay thì chẳng thể làm gì hơn được.
Việc các doanh nghiệp đồng loạt thắt lưng buộc bụng đương nhiên sẽ dẫn đến thiếu hàng hoá trong tương lai và đây là vấn đề cố hữu của thị trường BĐS Việt Nam.
Ngân đứng ngoài thị trường BĐS là sai lầm
Trên thế giới, nguồn vốn để huy động BĐS được lấy từ các nguồn tài chính là các quỹ như quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí, các quỹ của nhà nước và các quỹ của các công ty tài chính nói chung chứ không phải của ngân hàng.
Còn ở Việt Nam, do thị trường tài chính chưa phát triển nên nguồn vốn trong thị trường BĐS phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng. Và như vậy, khi có những biến động xảy ra như hiện nay rõ ràng ảnh hưởng rất lớn tới thị trường BĐS.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là việc ngân hàng quay lưng với thị trường BĐS như hiện nay sẽ là một tín hiệu tốt.
Ông Đặng Hoàng Vũ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại địa ốc Thanh Bình phân tích: Một trong những nguồn tài chính trong BĐS là được cung cấp từ Chính phủ và các tổ chức tín dụng mang tính quốc gia.
Và không ai khác, ngân hàng phải đứng giữa để đảm bảo cho việc triển khai các dự án xây dựng được minh bạch, quản lý được nguồn hàng hoá BĐS cũng như tài chính khi thực hiện giao dịch mua bán. "Chứ ngân hàng rút ra khỏi việc này như hiện nay là hoàn toàn sai lầm" - ông Vũ nói.
Còn một vấn đề nữa khiến ngân hàng không thể tách rời lĩnh vực BĐS, đó là những công chức, viên chức có thu nhập trung bình có thể lấy tiền đâu để mua nhà nếu đó không phải là ngân hàng. Họ chỉ có thể tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ, còn lại phần lớn thì phải đi vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án nhà ở chính sách xã hội khá chung chung và khó tiếp cận đến đúng đối tượng. Tuy nhiên, với mức lãi suất vay cao ngất ngưởng như hiện nay thì họ khó có thể tiếp cận nguồn vốn này.
Nói tóm lại, việc siết chặt tín dụng của các ngân hàng trong lĩnh vực BĐS trong bối cảnh hiện nay không phải là một giải pháp hợp lý, thậm chí còn là một trong những tác nhân gây bóp nghẹt thị trường BĐS cả nguồn cung lẫn cầu.
- 252
- By Admin
- 17/06/2008
- 17