Ngân hàng mượn danh gói 30.000 tỷ, hướng khách sang vay thương mại
Nhiều cá nhân môi giới BĐS, nhân viên tín dụng mượn danh gói 30.000 tỷ làm chiêu hút khách
vay thương mại để mua nhà. Ảnh: Lệ Chi/ VnExpress
Chị Hương, nhân viên một công ty truyền thông tại Tp.HCM có mức thu nhập 14 triệu đồng/tháng nhưng hiện vẫn phải đi thuê nhà. Hàng ngày nhận được cả chục tin nhắn điện thoại mời chào mua căn hộ kèm lời nhắn sẽ được vay tiền mua nhà từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng nên chị quyết định tìm hiểu các thông tin để mua căn hộ ở Thủ Đức với giá khoảng một tỷ đồng từ gói vay này.
Chị gọi lại cho số điện thoại của người nhắn thì được mời đến xem nhà và hướng dẫn đến ngân hàng liên kết để làm thủ tục vay. Khi chị đến ngân hàng này, chị được một nhân viên tín dụng tiếp nhận và hướng dẫn làm hồ sơ. Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, với trường hợp của chị thì không vay được gói 30.000 tỷ vì vướng quy định về mức thu nhập.
Đến lúc này, chị Hương được nhân viên tín dụng tư vấn nhiệt tình và thuyết phục chuyển sang các gói vay thương mại với những hứa hẹn như lãi suất chỉ 6 - 7% một năm, không cao hơn gói 30.000 tỷ là bao, thủ tục lại đơn giản, nhanh gọn hơn nhiều... "Hỏi kỹ, tôi mới biết mức lãi suất "mềm" ấy chỉ được áp dụng cho 3 hoặc 6 tháng đầu tiên, còn sau đó thì sẽ bị áp dụng lãi suất thả nổi cộng thêm 3,5% nữa nên đành thôi", chị Hương nói.
Sau khi mua được miếng đất, vợ chồng chị Nhàn ở quận 6 hiện muốn vay thêm 300 triệu đồng từ gói 30.000 tỷ để xây ngôi nhà cấp 4. Tuy nhiên, khi "gõ cửa" ngân hàng, nhân viên tại đây cho biết, điều kiện vay gói này rất khó khăn và khuyên chị với số tiền vay ít, thời gian vay ngắn thì vợ chồng chị nên chuyển sang gói vay của ngân hàng, đảm bảo vay được mà thủ tục lại đơn giản.
"Cô nhân viên tín dụng cho biết, hiện ngân hàng đang triển khai chương trình vay vốn mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ôtô... với mức lãi suất chỉ từ 7,5% một năm. Nhưng tôi tìm hiểu thì được biết, thực chất, mức này chỉ dành cho thời gian ưu đãi khoảng 6 tháng đối với khoản vay từ 24 tháng trở xuống và khoảng 12 tháng với khoản vay trên 24 tháng", chị Nhàn cho hay.
Nhìn nhận về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, các nhân viên tín dụng thường bị "khoán" phải cho vay thương mại hàng tháng với định mức khá cao nên mới có chuyện họ lờ gói vay ưu đãi hoặc không mặn mà với nó để "dụ" khách hàng sang gói vay thương mại.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, PGĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, cơ quan này cũng có nhận được phản ánh về việc một số nhà băng đưa ra thủ tục vay gói 30.000 tỷ khó khăn, khiến người vay nản chí, sau đó gợi ý khách hàng vay gói thương mại với điều kiện dễ dàng hơn nhưng mức lãi suất cao hơn.
Ông Minh nhận định, điều này là dễ hiểu vì gói 30.000 tỷ đồng là gói vay ưu đãi, áp dụng cho đối tượng thu nhập thấp nhưng các điều kiện cho vay vẫn phải như gói vay thông thường, nếu phát sinh nợ xấu thì ngân hàng phải chịu, do đó, họ phải xét duyệt kỹ càng.
Mặt khác, Nhà nước chỉ bù phần chênh lệch lãi suất 1,5% mỗi năm, số tiền cho vay lại nhỏ. Trong khi đó, cho vay thương mại thì khoản vay lớn hơn, điều kiện vay do ngân hàng quyết định, và được hưởng lãi suất cao.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá, cũng không loại trừ khả năng hiện nay một số ngân hàng xin tham gia gói 30.000 tỷ đồng chủ yếu là nhằm mục đích tăng hình ảnh thương hiệu chứ không phải hướng tới việc giải ngân hiệu quả cho người dân. Việc này dẫn đến tình trạng một số ngân hàng chỉ tiếp nhận hồ sơ một cách chiếu lệ và chủ yếu là muốn hướng khách hàng sang vay gói thương mại. "Đây là điều không nên, vì nó sẽ ảnh hưởng tới uy tín cũng như đạo đức nghề nghiệp", ông nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng nhấn mạnh, các ngân hàng khi đăng ký tham gia gói 30.000 tỷ đồng là tự nguyện. Nếu đơn vị nào dùng việc này như một hình thức nhằm tăng uy tín, quảng bá tên tuổi, đăng ký nhưng không triển khai là điều không thể chấp nhận được.
"Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, từ đó kiến nghị lên Ngân hàng Trung ương để có biện pháp xử lý các trường hợp này chứ không thể để tình trạng này xảy ra làm mất lòng tin của dân", ông nói.
Ngoài việc không mấy nhiệt tình, kèm với một số bất cập trong quá trình triển khai như tiêu chí thu nhập, cách thức xác nhận tình trạng nhà ở và một số yêu cầu, thủ tục rườm rà khác... cũng đã khiến tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ trong thời gian qua khá chậm. Theo dự kiến, đến đầu tháng 6/2016 sẽ chấm dứt hiệu lực chương trình nhưng đến nay mới giải ngân được 20%.
Đến nay, gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 20%
Để đẩy nhanh tiến độ cho vay của gói 30.000 tỷ đồng, TS. Hiếu cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý và ngân hàng cần giải quyết dứt điểm những bất cập liên quan đến thu nhập. Ví dụ như nâng mức thu nhập được vay từ dưới 9 triệu đồng lên khoảng 14 - 15 triệu đồng; nới thêm thời gian cho vay kéo dài 20 - 25 năm thay vì 15 năm nhằm giảm áp lực trả nợ cho người dân.
Vietinbank, một trong những ngân hàng hoạt động tích cực trong việc tham gia gói cho vay 30.000 tỷ cũng đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng đề xuất tháo gỡ một số vướng mắc như quy định về mức xác định người lao động có thu nhập thấp. Theo ngân hàng này, hiện chưa có cách thức để xác định thu nhập không chịu thuế nên cơ quan quản lý thuế không đồng ý xác nhận cho người vay.
Ngoài ra, điều kiện để vay vốn xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà ở cũng khá bất cập; quy định về việc xác nhận thực trạng nhà ở của khách hàng khi vay vốn xây dựng mới nhà ở (đất ở không cùng địa bàn phường với hộ khẩu thường trú/tạm trú của khách hàng nên rất khó xác định) cũng là một vướng mắc…
Được triển khai từ tháng 6/2013, chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 và Nghị quyết 61 của Chính phủ với mục đích hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà giá rẻ. Lãi suất tối đa của gói vay là 5% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 15 năm. Trong đó, doanh số cho vay đối với các chủ đầu tư dự án vào khoảng 9.000 tỷ đồng và cho vay cá nhân để mua, xây và sửa chữa nhà vào khoảng 21.000 tỷ đồng.
Hiện đã có 19 ngân hàng tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BaoVietBank, MHB, PVComBank, Eximbank, SCB, TPBank, SHB, NamABank, SeaBank, VPBank, OCB, ACB, VIB, VietBank và LienVietPostBank.
- 0
- By Admin
- 01/06/2015
- 17