Ngân hàng "mở cửa" cho tín dụng BĐS
Thống kê từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, dư nợ cho vay bất động sản cuối tháng 8 đã tăng tới 9,85% so với đầu năm 2014. Con số này cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế (5,82%) và nhiều khu vực ngành nghề đang được ưu tiên như nông nghiệp (tăng 6,1%), công nghiệp hỗ trợ (6,12%), xuất khẩu (4,37%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (2,57%). Trong vòng một hai tháng gần đây, số liệu thống kê cũng đã cho thấy tín dụng địa ốc đang tăng mạnh, bởi nửa đầu năm dư nợ nhóm xây dựng đã tăng 2,78% so với cuối năm ngoái, đạt hơn 350.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến tín dụng BĐS tăng cao là do nhiều ngân hàng tích cực giải ngân cho các dự án. Dự án The Pride tại quận Hà Đông (Hà Nội) được ngân hàng MB tài trợ 530 tỷ đồng, dự án chung cư 89 Phùng Hưng được Indovina tài trợ sau một thời gian ngừng thi công. Dự án chung cư Ngọc Phương Nam ở Tp.HCM cũng tái khởi động nhờ BIDV cam kết tài trợ vốn cho giai đoạn còn lại...
Lưng ghế taxi cũng trở thành nơi quảng cáo lý tưởng
Không chỉ hỗ trợ các chủ đầu tư, các ngân hàng còn hỗ trợ người mua nhà bằng các gói ưu đãi, khuyến mãi lớn. Ngân hàng Vietcombank có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay mua nhà đất, xây sửa nhà với lãi suất từ 7,99% một năm, ngân hàng ACB đưa ra chương trình cho vay mua ngôi nhà đầu tiên dành cho cá nhân có thu nhập từ 10 triệu đồng với lãi suất 8,9% trong năm đầu tiên, ngân hàng HDBank liên kết với chủ đầu tư dự án Ehome 5 cho người mua nhà vay lãi suất 0% đến khi được giao nhà... Ngoài ra, ngân hàng sẵn sàng mua vị trí quảng cáo trên cả taxi, quán cà phê nhằm tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Do thị trường gần đây đang có nhiều tín hiệu tích cực nên ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ cho những dự án có khả năng hồi sinh. Ngoài ra, việc đưa ra chương trình thí điểm cho vay liên kết 4 nhà (nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng) nhằm tạo sự đột phá cho thị trường cũng đang phát huy tác dụng.
Trong bối cảnh các mảng kinh doanh khác đang gặp nhiều khó khăn thì việc cho vay mua nhà cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng hơn cả. Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB nhận định: "Cho vay mua nhà ít gặp rủi ro nhất bởi khách hàng chủ yếu là người có nhu cầu thực, họ sẽ tính toán được kế hoạch trả nợ, không như những nhà đầu tư khi thua lỗ thì chạy".
Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở được triển khai hơn một năm nay nhưng tỷ lệ giải ngân chưa tới 10% cũng là cơ hội cho các nhà băng nhảy vào cuộc đua cho vay mua nhà. "Khách hàng sẽ không quan tâm nhiều đến nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại mà chỉ quan tâm đến giá cả cũng như khả năng tài chính của mình, do vậy ngân hàng sẽ có cơ hội tranh đua trên miếng bánh này", thành viên HĐQT một ngân hàng cổ phần phía Bắc cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ tín dụng cũng cho biết thêm về gói tín dụng sẽ cho phép cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, nhà liền kề... Với nhiều ưu đãi như: Hạn mức vay tối đa là 2 tỷ đồng, lãi suất chỉ 6-7,5%/năm, thời hạn vay tối đa là 10 năm, đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá nếu gói tín dụng này được chấp thuận, các ngân hàng có thể giải ngân được vài chục nghìn tỷ đồng, tác động tích cực lên tín dụng bất động sản.
Ngoài ra, để tăng tốc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Chính phủ cũng đã có văn bản tháo gỡ vướng mắc trong quy định cho vay. Các hộ gia đình, cá nhân từ 21/8/2014 sẽ được vay ưu đãi gói hỗ trợ nhà ở tối đa là 15 năm thay vì 10 năm như trước và không bị khống chế đơn giá và diện tích với điều kiện giá trị hợp đồng không vượt quá 1,05 tỷ đồng.
Song, lãnh đạo ACB vẫn khuyến cáo cần thận trọng trong cho vay bất động sản bởi tình hình kinh tế chưa hoàn toàn khởi sắc. Theo ông: "Cũng chưa nên quá lạc quan, ngân hàng cần nắm rõ được đối tượng khách hàng vay là ai, có khả năng trả nợ hay không".
- 0
- By Admin
- 23/09/2014
- 17