Ngân hàng dè dặt với bất động sản
Trong thời gian qua, vốn cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất từ 15% - 20%/năm để mua nhà, sửa chữa nhà chiếm từ 35% - 50% dư nợ cá nhân của các NH. Chẳng hạn như tại ABBank là 50%, HDBank khoảng 45%...Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Tp.HCM, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn thành phố tính đến cuối tháng 7 ước đạt 92.864 tỉ đồng, chiếm 15,05% tổng dư nợ. Nếu so với cuối tháng 6, tốc độ cho vay BĐS đã giảm dần. Trước đó, NHNN đã lưu ý các NH cần cẩn trọng khi cho vay BĐS, do lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lãi suất cho vay cao, khả năng thu nợ chịu sự tác động của các yếu tố thị trường rất lớn. Tại một số NH, nợ xấu chiếm hơn 5% tổng dư nợ cho vay BĐS.
Ông Phạm Trung Cang - Chủ tịch Hội đồng tín dụng ACB - cho biết: “ACB không có chủ trương cho vay các căn hộ của dự án có tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay”. Theo ông Cang, thị trường BĐS hiện nay đang tiềm ẩn rủi ro do chủ đầu tư thế chấp dự án BĐS vay tiền làm dự án, trong quá trình thực hiện nếu thiếu hụt vốn (lúc này NH từ chối không cho vay nữa) sẽ chuyển sang phát hành trái phiếu. Người mua nhà theo hình thức góp vốn đem tài sản vốn đã hình thành từ vốn vay này để vay tiền NH. Như vậy, một dự án mà huy động vốn đến 3 lần là quá rủi ro.
Ông Đàm Thế Thái - Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBANK - lưu ý: “NH không xem các hợp đồng góp vốn của khách hàng với chủ đầu tư dự án BĐS mang tính pháp lý cao. Trong hợp đồng góp vốn, khách hàng mua lúc nào cũng ở thế yếu nên NH sẽ rất cân nhắc đối với cho vay hợp đồng góp vốn”.
(Theo Thanh niên)
- 240
- By Admin
- 13/09/2010
- 17