• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ngăn đầu cơ và xóa bỏ cơ chế “xin - cho”

Muộn còn hơn không

Câu chuyện Bộ Tài chính đang cân nhắc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để xử lý đối với biệt thự bỏ hoang đang là đề tài nóng trong giới đầu tư BĐS. Bởi nếu theo các phương án thì kiểu gì, giới đầu tư cũng phải "móc hầu bao".

Trước đó, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra 16 dự án của 11 chủ đầu tư tại Hà Nội với 2.684 căn biệt thự, có 1.743 căn đã được sử dụng, còn 698 căn (chiếm gần 35%) chưa đưa vào sử dụng, vẫn ở tình trạng xây thô. Hầu hết các dự án vừa kiểm tra đã vượt quá thời hạn theo quyết định phê duyệt dự án, thậm chí có dự án vượt quá 5 - 7 năm.

Chẳng hạn, Khu biệt thự Quang Minh với hơn 300 biệt thự không được sử dụng từ những năm 2003 - 2004; Khu đô thị Văn Phú đã bàn giao nhà cho khách hàng cả năm nay, nhưng hầu như không có người ở; dọc theo Đường 70 cũ từ Hà Đông sang Nhổn, hàng loạt khu đô thị mới xây xong bỏ đó như Xuân Phương, Vân Canh...

Bộ Tài chính đang lựa chọn một trong ba phương án: Thứ nhất, đối với trường hợp sau ba tháng mà không đưa biệt thự vào sử dụng thì sẽ thu thuế 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn để hoang sẽ bị tính 10%. Thứ hai, phạt chủ sở hữu tài sản này 10 - 20 triệu đồng/căn.Thứ ba, tính thuế theo diện tích đất của căn nhà với mức thuế là 0,15%/năm theo giá trị trên hợp đồng mua nhà.

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang chủ yếu là do các chủ nhân đầu cơ găm giữ. Ngoài ra, nhiều trường hợp do cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường sá chưa xây dựng đồng bộ nên người dân chưa sử dụng nhà.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, biện pháp đánh thuế đối với BĐS được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Điều này sẽ ngăn chặn việc đầu cơ. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo tính công bằng cho người dân. Đây được xem như là một giải pháp ngăn chặn đầu cơ BĐS. Có chuyên gia cho rằng, lẽ ra, các cấp quản lý nên tính trước vấn đề này, chứ vẫn quản lý theo kiểu "nước đến chân mới nhảy" không biết đến bao giờ, thị trường BĐS Việt Nam mới hết tình trạng đầu cơ, giá nhà ở mới tiệm cận được với người có thu nhập trung bình.

Đổi mới phương thức phát triển

Để chấn chỉnh thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, đi đôi với các biện pháp mang tính chất hành chính, tới đây, cần đổi mới các phương thức phát triển nhà ở.

Theo đó, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện quy định về lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại bằng hình thức đấu thầu dự án theo quy định của Nghị định 71/2010/NĐ-CP. Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để đảm bảo công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế "xin - cho" và đảm bảo khoản chênh lệch địa tô thu vào ngân sách.

Khi lập dự án, chú trọng tới việc tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường (tại Hà Nội, Tp.HCM các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80%), phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn) đảm bảo an sinh xã hội…

Xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ qua đô thị.

Ông Nguyễn Hồng Quân (Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

(Theo KTĐT)


 
  • 139
  • By Admin
  • 30/05/2011
  • 17