• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ngăn chặn trốn thuế chuyển nhượng BĐS: Thiếu biện pháp “mạnh”

Sau hơn một năm thực hiện, cách tính thuế chuyển nhượng BĐS được các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiến bộ so với quy định cũ.

Tuy nhiên, với thực trạng hệ thống đăng ký đất đai ở nước ta chưa kiểm soát được, việc thu đúng, thu đủ khoản thuế này vẫn còn nhiều bất cập. Bởi, trên thực tế không ít trường hợp đã lách luật, trốn thuế. Vậy, giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả trong việc thu thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng BĐS?

Những "chiêu" lách luật, trốn thuế
 

Người dân thị xã Sơn Tây tra cứu thuế thu nhập cá nhân từ
việc chuyển nhượng bất động sản. Ảnh: Bá Hoạt

Luật Thuế TNCN quy định, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế; đồng thời người chuyển nhượng BĐS tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực khi kê khai của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống thông tin quản lý cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành thuế còn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc kiểm tra, đối chiếu cần nhiều thời gian, nên trong những năm đầu thực hiện thuế TNCN ở lĩnh vực này, ngành chức năng chưa thể kiểm soát được từng cá nhân có bao nhiêu nhà ở, đất ở.

Đây là kẽ hở để những tiêu cực trong việc thu thuế TNCN qua hoạt động chuyển nhượng BĐS có đất tồn tại. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về thuế TNCN quy định, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá thực tế ghi trên hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ quy định.

Song, thực tế trên thị trường BĐS, giá đất mua - bán thường cao hơn. Nhưng, vì lợi ích của cả người mua và người bán, nên họ thường thỏa thuận ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị. Để được cơ quan nhà nước chấp nhận hồ sơ, họ chỉ ghi trên hợp đồng mức giá ngang hoặc cao hơn tý chút so với giá UBND tỉnh, thành phố quy định. Như vậy số tiền thuế phải nộp thấp hơn số thực tế và cả 2 bên mua - bán đất cùng có lợi, chỉ Nhà nước chịu thiệt.

Tại khoản 1, điều 4, Luật Thuế TNCN quy định: "Thu nhập từ chuyển nhượng BĐS giữa vợ với chồng, cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông, bà nội với cháu nội; ông, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau thì được miễn thuế TNCN. Lợi dụng quy định này, nhiều trường hợp đã sử dụng mối quan hệ bắc cầu để trốn thuế (chẳng hạn, hai chị em dâu chuyển nhượng BĐS cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng, để lách luật người chị dâu làm thủ tục chuyển nhượng cho bố chồng, sau đó bố chồng lại chuyển nhượng tiếp cho người em dâu)...

Giải pháp nào để ngăn chặn?

Để ngăn chặn tình trạng lách luật, trốn thuế TNCN trong chuyển nhượng BĐS, Nhà nước cần sớm xây dựng và quản lý hệ thống thông tin cá nhân đầy đủ, trên cơ sở đó giữa ngành thuế và các ngành có liên quan phải nối mạng thông tin thống nhất để quản lý việc sở hữu BĐS của từng cá nhân.

Trên cơ sở đó sẽ khắc phục được tình trạng khai không đúng là tài sản duy nhất trong chuyển nhượng BĐS để được miễn thuế. Với UBND các tỉnh, thành phố để chống lách luật qua việc ghi thấp giá trên hợp đồng chuyển nhượng, việc xây dựng và ban hành giá nhà, đất hàng năm phải phù hợp, sát với giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường.

Ngành thuế phải tăng cường tuyên truyền Luật Thuế TNCN đến mọi tầng lớp dân cư, giúp họ hiểu về các quy định, đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp ứng phó trong mọi tình huống. Được biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thuế chuyển nhượng BĐS; song, theo Luật Quản lý thuế, nếu phát hiện trường hợp trốn, khai gian thuế, cá nhân đó sẽ bị truy thu, nộp phạt. Thậm chí, vi phạm nặng, cá nhân đó sẽ bị truy tố hình sự.

Các giải pháp trên nhằm thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước trong việc thu thuế nói chung, thu thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng BĐS nói riêng.
 

Theo HNM
  • 0
  • By Admin
  • 03/03/2010
  • 17