Ngậm quả đắng vì “bỏ vàng, ôm đất”
"Xót đứt ruột"Cầm món tiền gần trăm triệu vừa rút từ ngân hàng về để chuẩn bị đi trả nợ, chị Hoa ở xóm Giếng- Yên Xá (Thanh Trì) than ngắn thở dài, “Với 95 triệu đồng này, cách đây 2 tháng tôi có thể mua được 3,5 cây vàng để trả bớt món nợ mua nhà. Nhưng đến thời điểm khách hàng thanh toán thì vàng tăng vùn vụt, đến hơn 31.3 triệu/lượng, lẽ ra đã tích cóp được 3 cây rưỡi để trả nợ nhưng tình hình này tôi chỉ mua được 3 cây, xót đứt ruột nhưng không biết làm thế nào”.
Chị Hoa không phải là người duy nhất ngậm quả đắng khi vay vàng mua đất, để rồi khi vàng đột ngột bốc giá lên cao ngất, món nợ cũng vì thế tăng theo, chủ nhân chỉ còn biết kêu trời.
Anh Long, một nhà đầu tư lướt sóng, công tác tại một tạp chí ngành cũng rơi vào nhóm nạn nhân của tăng giá vàng. Thấy đất chững vài tháng liền, anh Long và một người bạn rủ nhau “đánh quả” với tâm lý lúc không ai mua thì mình mua là rẻ nhất. Số tiền 8 tỷ đồng đầu tư mảnh đất liền kề khu Mỹ Đình chưa kịp ráo mực hợp đồng thì gặp phải cơn sốt vàng. “Chúng tôi mới thanh toán xong cách đây 2 tuần. Bán vàng đi mua đất đúng là thất sách”, anh Long thổ lộ.
Tính ra mảnh đất của anh Long tương đương gần 300 cây vàng tính tại thời điểm đặt cọc tháng 8.2010. Toàn bộ số vàng tích lũy để chuyên lướt sóng được 2 gia đình bán đi để quy ra tiền thanh toán mua đất. Nhưng đất chưa kịp lên thì vàng đã lên như nước nổi. “Mấy ngày nay bà xã tiếc của cứ nói ra nói vào suốt ngày khiến tôi ăn ngủ không yên. Biết là đầu tư thì phải tính lâu dài nhưng cứ nhìn thấy của hao đi ngay trước mắt thì không ai chịu được. Nếu giao dịch chậm hơn vài tuần chúng tôi đã không mất bay gần 50 cây vàng”, anh Long tiếc nuối.
Thiệt thòi vì tâm lý?
Theo anh Nguyễn Mạnh Hà, quản lý Trung tâm giao dịch bất động sản Hưng Phát, dù từ đầu tháng đến nay lượng giao dịch thành công rất ít nhưng nhưng hiện tại 1 giao dịch do Trung tâm môi giới cũng đang phải thương lượng lại do người bán tính theo giá vàng, chưa thanh toán xong thì vàng tăng bất ngờ khiến người mua trở tay không kịp.
Theo chị Nguyễn Thanh Tâm, đại diện Kinh doanh sàn giao dịch Hà Nội vàng: hầu hết giao dịch bị ảnh hưởng bởi giá vàng là nhà mặt phố , những giao dịch có giá trị rất lớn, thường tính giá bán theo vàng, còn với căn hộ, đất dự án hiện tại các DN kinh doanh BĐS thường niêm yết giá bằng tiền mặt thì không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên trên thực tế người mua thường có thói quen quy ra vàng khi tính giá trị giao dịch hoặc phải bán vàng hay đi vay mượn vàng để mua nên phải gánh sự thiệt thòi lớn khi giá vàng lên.
Theo nhận định của ông Phan Thanh, nguyên lãnh đạo một ngân hàng TMCP, trong thời điểm BĐS trầm lắng số lượng giao dịch thành công ít ỏi và lẻ tẻ như hịên tại thì đầu tư BĐS lợi nhuận chưa nhìn thấy đâu song đã chịu thiệt thòi vì vàng lên nên nhìn chung càng khiến cho thị trường BĐS khó khăn hơn.
Đặc biệt khi có những dự báo vàng có thể lên tới 1.400 USD/ounce sẽ càng khiến cho nhiều người còn vay nợ vàng mong đợi thời điểm vàng chững giá để mua vào. Dù rất khó dự đoán thời điểm nào là điểm dừng thấp nhất. Tuy nhiên xu hướng của vàng thường là đi lên và đi ngang chứ ít khi đi xuống và nếu có đi xuống cũng rất ít. Vì vậy, thiệt thòi của người vay vàng để đầu tư bất động sản và các lĩnh vực khác là điều thấy rõ.
Đối lập với những đợt vàng hạ giá, giới đầu cơ tranh thủ kéo nhau đi mua vào để trả nợ, vàng tăng giá khiến không ít kẻ khóc người cười. Như tâm sự của một “nạn nhân”: “Biết trước là vàng hay đột ngột lên giá, nhiều người khuyên tôi không nên vay vàng, nhưng lúc mình cần tiền thì ở đâu cho vay được là tốt lắm rồi, cắn răng vay giờ trả nợ mới thấy …vàng đắng thế nào”.
(Theo KH&ĐS)
- 0
- By Admin
- 02/10/2010
- 17