Nếu mua đất của vợ, thì có hỏi ý kiến chồng cũ?
Căn cứ theo biên bản chia đất có cán bộ địa chính xã tham gia đo, cắm cọc chúng tôi mua phần của cô được chia và xác định ranh giới. (Biên bản chia đất do đại diện UBND xã lập nhưng ngày đó chỉ được xác nhận chữ ký của cô vợ và người cha là đúng - thay vì xác nhận đúng sự việc).Trong hơn 10 năm qua cả 2 bên đều xác định ranh giới và phía người chồng cũ của cô này đã xây tường hoặc nhà dọc theo ranh đất được chia. Vừa qua chúng tôi có đơn đề nghị cấp quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất, mặc dù được xã chứng nhận mọi giấy tờ cần thiết, niêm yết công khai... nhưng UBND huyện vẫn yêu cầu chúng tôi phải lấy ý kiến người chồng cũ về vị trí khu đất của chúng tôi trước khi xem xét cấp giấy.
Hiện nay dù biết phía người chồng cũ đã lâu nhưng chúng tôi không cải thiện được quan hệ do có thể anh này cho rằng chúng tôi thân thiết với phía nhà người vợ cũ. Trong quá khứ anh này từng gây khó dễ cho chúng tôi nhiều như việc kéo đường điện hay nước đi ngang qua dù là phía ngoài đường công cộng... Do vậy việc chúng tôi lấy được ý kiến của anh này dường như rất khó, thậm chí có thể còn gây cản trở.
Ngay cả trong huyện có người tư vấn nên làm bản tường trình hoàn cảnh và cam kết về vị trí, ranh đất nhưng khi nộp cán bộ thụ lý cũng không tiếp nhận.
Vậy xin quý báo tư vấn giúp về trường hợp của chúng tôi như đã nêu. Ngô Quỳnh Trâm, (telecomnet53b3@...)
Trả lời
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nhận chuyển nhượng trước 1/7/2004:Căn cứ khoản 1, Điều 11 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ, trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 1/7/2004 mà chưa được cấp giấy chứng nhận, khi chuyển nhượng các bên đã lập giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của bên chuyển quyền (không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển quyền), thì không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 135 hoặc khoản 1 Điều 136 Nghị định số 181/2004/ NĐ-CP.
Theo thư trình bày, được biết biên bản chia đất giữa hai vợ chồng của người sử dụng đất trước đây có chữ ký của người chồng và người vợ, biên bản phân chia này do UBND xã lập. Do đó, căn cứ khoản 1, Điều 11 Nghị định 84/2007/NĐ-CP nêu trên, việc phân chia đất giữa hai vợ chồng của người sử dụng đất trước đây được xem là đã hoàn tất.
Vì vậy, khi người vợ chuyển nhượng phần đất trên cho bà, không cần có ý kiến người chồng nữa. Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 135 Nghị định số 181/2004/ NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận của người sử dụng đất không phải nộp giấy tờ nêu ý kiến của người chồng đã ly hôn.
Hiện nay, được biết hồ sơ cấp giấy chứng nhận của bà đã hoàn tất thủ tục niêm yết công khai tại địa phương và UBND xã đã xác nhận thửa đất cùng với nhà hiện nay không có tranh chấp.
Vì vậy, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và phòng tài nguyên và môi trường nơi có đất có trách nhiệm thụ lý hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà căn cứ theo Điều 135 Nghị định số 181/2004/ NĐ-CP, mà không cần phải có ý kiến của người chồng đã ly hôn của người sử dụng đất trước đó.
Theo thư trình bày, hiện nay cán bộ thụ lý không tiếp nhận giấy tường trình, cam kết của bà.
Do đó, bà có thể làm đơn trình bày rõ về nguồn gốc và yếu tố pháp lý của thửa đất. Nếu cán bộ thụ lý không nhận trực tiếp đơn của bà, thì bà có thể nộp đơn tại văn phòng tiếp nhận đơn. Nếu nơi đây cũng không nhận hồ sơ, bà có thể gửi bản tường trình và văn bản yêu cầu giải quyết hồ sơ cho cán bộ thụ lý và các lãnh đạo trực tiếp giải quyết việc cấp giấy chứng nhận bằng đường bưu điện, theo phương thức gửi đảm bảo, có hồi báo để yêu cầu giải quyết trường hợp cấp giấy chứng nhận nêu trên.
Luật sư Phạm Đình Sơn
(Theo TTO)
- 191
- By Admin
- 09/06/2012
- 17