• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nếu giữ giá cao, thà thu nhập thấp sẽ... ế?

Ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý Khu đô thị Đặng Xá - Tổng Công ty Viglacera, giải thích với phóng viên báo Tin Tức về mức giá 11.260.000 đồng/m2 đối với NTNT tại đô thị Đặng Xá.

Cùng thời điểm này, Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cũng công bố, mức giá tạm tính của NTNT do công ty làm chủ đầu tư tại đô thị Kiến Hưng, quận Hà Đông là 11.579.000 đồng/m2.

Vì sao giá... "vênh"?

Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai khẳng định, giá NTNT tại Hà Nội cao do nhiều yếu tố: Chi phí nhân công lao động cao; chất lượng nhà tốt do quy định tiêu chuẩn kháng chấn cao hơn so với phía Nam; chiều cao tòa nhà cao hơn khiến chi phí móng, thang máy đắt hơn dẫn tới giá thành NTNT cao hơn...?

Trong khi đó, dư luận tỏ ra khó “thông cảm” với mức giá NTNT mà các doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội công bố tới hơn 11,5 triệu đồng/m2 khi mà cùng thời điểm này, tại Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Vincon cũng mở bán NTNT chỉ với giá 5,2 triệu đồng/m2, chưa bằng một nửa so với giá NTNT ở Hà Nội.

Nếu giữ giá cao, thà thu nhập thấp sẽ... ế? | ảnh 1
Tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ đăng ký mua nhà dành cho người thu nhập thấp tại Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera (thuộc Tổng công ty Viglacera). Ảnh: Hoàng Lâm - TTXVN

Từ thực tế đã xây dựng nhiều công trình nhà ở thương mại và đang xúc tiến triển khai các dự án NTNT tại Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đất Lành cho biết, với công nghệ xây dựng truyền thống (chưa cần công nghệ tiên tiến) và giá nguyên vật liệu (gạch, xi măng, sắt thép...) hiện nay, giá thành xây thô cho mỗi mét vuông NTNT vào khoảng 4 triệu đồng/m2; chi phí lắp đặt nội thất với NTNT chỉ cần thêm khoảng 1 triệu đồng/m2. Cộng cả các chi phí phụ khác thì chủ đầu tư chỉ cần bán NTNT với giá từ 7 – 8 triệu đồng là đã có lời. Nếu chủ đầu tư nào áp dụng công nghệ xây dựng hiện đại hơn, tiết giảm được nhiều chi phí hơn sẽ còn giảm được giá NTNT xuống nữa.

Hoàn toàn có lý khi người thu nhập thấp đặt câu hỏi: Tại sao cùng trên lãnh thổ Việt Nam, đều được hưởng các ưu đãi của Nhà nước (theo Quyết định 67) của Chính phủ như được cấp đất sạch không thu tiền sử dụng đất (tức đất 20% tại các đô thị mới), doanh nghiệp xây và vận hành loại nhà này được miễn giảm các loại thuế (thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT...), được ưu tiên vay vốn lãi suất thấp từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nguyên liệu đầu vào cũng đều là gạch, xi măng, sắt thép... nhưng giá NTNT tại Hà Nội lại cao gấp đôi NTNT ở Đà Nẵng và bằng với giá nhà thương mại ở Tp.HCM?

Nếu giữ giá cao sẽ... ế?

Chị Nguyễn Thị Hoa Mỹ, Công ty Cổ phần Văn hóa Thông tin Thăng Long cho rằng cách giải thích của các nhà xây dựng tại Hà Nội rất khó thuyết phục. Thứ nhất, xét về tiêu chuẩn kỹ thuật, không thể có chuyện chất lượng NTNT ở Hà Nội cao hơn NTNT ở Đà Nẵng hay TP.HCM. Vì để được phép triển khai dự án nhà ở nói chung, chủ đầu tư phải chứng minh được quy trình kỹ thuật, thiết kế đảm bảo chất lượng mới được cấp phép xây dựng. Thứ hai, xét về giác độ thị trường, nếu các nhà xây dựng tại Hà Nội không giảm giá NTNT xuống gần với cầu thanh toán thì NTNT rất có khả năng xây nhiều sẽ ế. Vì ai cũng biết giá NTNT đang vượt xa khả năng mua nhà của người có thu nhập thấp. Với giá trị từ 700 - 800 triệu đồng/căn NTNT hiện nay (11,5 triệu đồng/m2 x 65 - 70 m2/căn), chỉ có những gia đình người thu nhập thấp đang “có điều kiện” mới mua nổi. Còn phần lớn người thu nhập thấp đang hưởng mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người thì chi phí sinh hoạt còn chưa đủ nói gì chuyện mua nhà!

Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Việt Nam thừa nhận, mức giá hơn 11,5 triệu đồng/m2 của NTNT đang vượt quá khả năng thanh toán của người thu nhập thấp. “Tôi cho rằng thông tin về kết quả bán NTNT tại Khu đô thị Đặng Xá chỉ nhận được 326 hồ sơ mua nhà trong tổng số 946 căn mở bán là rất đáng chú ý với các nhà xây dựng. Nó phản ánh hiện tượng: Những người thu nhập thấp có điều kiện để mua được NTNT với giá 700 - 800 triệu đồng/căn không phải là nhiều”, ông Tùng nói.

Giải pháp nào để hạ giá NTNT tiệm cận với cầu thanh toán? Ông Nguyễn Văn Đực đề xuất: Chính quyền thành phố (nơi có nhu cầu lớn) cần tạo điều kiện xây dựng những đô thị chuyên về nhà ở xã hội với quy mô lớn. Làm được như vậy, sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí. Ví như việc mua nguyên vật liệu với khối lượng lớn sẽ giảm được khoảng 15 - 20% chi phí. Máy móc thi công tập trung một chỗ, cộng với việc áp dụng công nghệ xây lắp tiên tiến sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, giảm đáng kể chi phí nhân công, lãi suất vay vốn... Từ đó, giá NTNT sẽ giảm xuống được vài chục phần trăm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần cho xây NTNT với diện tích 30 m2, thậm chí có thể có các căn hộ diện tích nhỏ hơn 30 m2 cho những đối tượng có nhu cầu (tùy nhà xây dựng quyết định tỉ lệ căn hộ nhỏ hơn 30 m2 là bao nhiêu).

“Để xác định được giá NTNT bao nhiêu là hợp lý cần phải có sự thẩm định của Nhà nước và các đơn vị tư vấn, cụ thể là các Hội Khoa học Kỹ thuật như Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng, Hội Nền móng... Không nên để tình trạng mỗi địa phương đưa ra một giá quá vênh nhau, trong khi NTNT được hình thành trên một mặt bằng như nhau!”, ông Đực đề nghị.

(Theo BTT)

  • 0
  • By Admin
  • 26/04/2011
  • 17