Nếu Thủ đô phát triển "lan đều", chi phí sẽ rất đắt!
Hà Nội đã rộng hơn 3 lần trước kia, trở thành một Thủ đô đặc biệt, nằm trong top 20 thành phố cực lớn cả về diện tích và dân số trên thế giới. Sự đặc biệt này đã làm say sưa nhiều tư vấn nổi tiếng thế giới khi được mời đưa ra ý tưởng qui hoạch…“Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều suy nghĩ, ý tưởng cho Thủ đô của chúng ta. Họ cho thấy hoàn toàn có thể giải được bài toán xây dựng đô thị cỡ lớn như thế một cách tốt nhất cho tương lai - điều mà trước đó đã được đặt biết bao câu hỏi: Liệu có mô hình cấu trúc nào như vậy trên thế giới không?! Sẽ cực kỳ khó khăn trong quản lý đô thị, xây dựng qui hoạch để thực hiện ước mơ về một Hà Nội mới?!… Thế nhưng, khi được mời đưa ra ý tưởng ban đầu, các tư vấn đều đã vẽ hết sức say sưa” - ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, rất nhiều phương án cấu trúc đô thị đã được đưa ra, mỗi phương án lại “nhìn” Thủ đô theo một cách khác nhau và chỉ nói riêng 3 ý tưởng ban đầu của 3 liên danh tư vấn nước ngoài đến từ Nhật Bản - Hà Lan, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã là 3 cách “đặt vấn đề” hoàn toàn khác biệt.
Nếu như Arata Isozaki & Associates kết hợp với Office for Metropolitan Architecture (Nhật Bản - Hà Lan) đề xuất ý tưởng xây dựng quy hoạch Hà Nội là thành phố Siêu đô thị đa cực kết nối (tạm dịch từ chữ Hyper City) - phát triển bền vững thì Perkins Eeastman - Posco/Jina (Hoa Kỳ - Hàn Quốc) khẳng định có thể qui hoạch Hà Nội đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến tương lai, cho rằng chỉ nên dành 40% diện tích Thủ đô làm đất xây dựng đô thị, còn 60% xây dựng hành lang xanh. RTKL (Hoa Kỳ) lại đưa ra khái niệm “Thành phố cốt lõi” cho Hà Nội mở rộng.
“Tuy nhiên, đây mới là những suy nghĩ ban đầu của họ về việc này” - ông Hải giới thiệu về những ý tưởng của 3 liên danh tư vấn nước ngoài.
Hà Nội được bao bọc bởi các “thành phố ốc đảo”?
- Là một trong những người theo dõi công việc này từ đầu, ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm “thành phố siêu đô thị kết nối - đa cực phát triển bền vững”?
Phó Viện trưởng Ngô Trung Hải: - Ở đây, các chuyên gia dùng thuật ngữ “hyper city” để chỉ về một thành phố cực lớn, cho rằng đó là mô hình của thế kỷ XXI, gồm nhiều thành phố nhỏ (vệ tinh) cộng lại với nhau thành một “siêu đô thị”, khác hẳn mô hình “siêu đô thị” của thế kỷ XX là một thành phố cứ phát triển rộng dần ra (sprawing) và đông người sống, như Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, Mexico...
Sau này, mỗi thành phố vệ tinh đó có thể trở thành một cực phát triển của thành phố, trở thành một điểm đô thị lớn hoặc phát triển thành một “thành phố”. Đa cực có nghĩa là đa trung tâm. Phát triển kiểu đa trung tâm như vậy rất có lợi ích trong tương lai vì thành phố sẽ không bị mắc bệnh “đầu to”, nghĩa là một thành phố quá lớn, quá khổng lồ, nén (Compact) vào trong một diện tích rất hẹp và phải trả giá rất đắt về môi trường cùng nhiều vấn đề nan giải khác.
Mô hình chia Thủ đô ra thành những thành phố nhỏ, xen lẫn rồi tập hợp tất cả chùm đô thị đó lại thành một thành phố lớn (như trên) tạm được gọi là “siêu đô thị kết nối cực nhanh”. Kết nối ở đây gồm đường giao thông cụ thể (dành cho tàu hỏa, xe điện, ô tô...) và cả “kết nối mờ” gồm các kết nối trong không gian (hệ thống thông tin liên lạc, kỹ thuật số, vệ tinh...), điều hành toàn thành phố ở một cấp độ khác khi thế kỉ XXI là thế kỉ của kỹ thuật số.
Xu hướng bền vững ở đây được hiểu là kiểu - ốc đảo - phát triển tương đối nhỏ này sẽ không xóa đi những vùng đất nhạy cảm của thiên nhiên, như: khu vực xả lũ, cây xanh, nông nghiệp... mà chủ yếu phát triển đô thị tại các vùng dân cư hiện hữu, đất xấu, núi, gò đồi.
- Các “đô thị phụ trợ”, “đô thị vệ tinh” được tạo ra như thế nào và hiện đã dự định những khu vực nào sẽ là “vệ tinh”, “phụ trợ”, thưa ông?
- Chưa, hiện nay thì chưa ai xác định gì cả, nhưng xem ra bố cục họ vẽ ứng với bản đồ của mình thì đó có thể là khu vực Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai... Tuy nhiên, họ chưa nói rõ tên những đô thị này vì coi đây mới chỉ là ý tưởng, và gọi đó là những “island city” (thành phố ốc đảo).
Hà Nội sẽ phát triển các "thành phố ốc đảo"? - Ảnh: photobucket.com
Các “thành phố đảo” này thực ra đã có mầm mống phát triển từ lâu, ví dụ như Sơn Tây đã là thành phố, đô thị Hòa Lạc được qui hoạch từ lâu và các chuyên gia Nhật Bản khi nghiên cứu xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trước đây đã hoạch định đây sẽ là một “thành phố khoa học” trong tương lai.
Rồi gần đó có các đô thị vệ tinh chuyên về giáo dục đào tạo (khu đô thị đại học), chuyên về nghỉ dưỡng (đô thị sinh thái – du lịch)... Nói chung, mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một chức năng nổi trội và đứng riêng thành một cực, được kết nối với nhau bằng “siêu liên kết” (kể trên).
Bài toán giải quan trọng nhất ở đây chính là kết nối giữa đô thị này với đô thị kia, vì hiện nay tính kết nối của các đô thị rất yếu. Quốc lộ 6, quốc lộ 32, cao tốc Láng – Hòa Lạc đều chưa hoàn thành và chưa đủ rộng do vậy tính kết nối sẽ chưa đủ mạnh.
Nếu phát triển theo xu hướng này, trong tương lai tại các đô thị phụ trợ, vệ tinh này cư dân cũng mang những nét rất riêng, ví dụ: có thành phố toàn các sinh viên trẻ, có thành phố chỉ thu hút các nhà khoa học khắp nơi về sinh sống và làm việc hay có thành phố sẽ gồm nhiều cư dân làm dịch vụ du lịch...
Các đô thị không nên trải dài toàn bộ thành phố!
- Theo ông, với dự tính “chỉ nên dành 40% diện tích Thủ đô làm đất xây dựng đô thị, còn 60% xây dựng hành lang xanh” đến lúc này đưa ra có còn kịp nữa không khi mà Hà Nội “cũ” gần như đã hết đất từ lâu, Hà Nội “mới” thì từ khi chưa hòa nhập đã được “phủ” hơn trăm dự án giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch?
- Có thể chưa tính toán kỹ, song bằng kinh nghiệm của tôi, 40% đất xây dựng đô thị là quá nhiều, e hơi dày! Tôi nghĩ chỉ 30% là vừa, còn lại là đồi, núi, đất nông nghiệp, cây xanh, đường giao thông...
Mô hình cấu trúc phát triển không gian Hà Nội định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2050 do Viện Kiến trúc, Qui hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) lập, trình Quốc hội tháng 4/2008.
Liên quan đến việc các dự án hiện đã chiếm bao nhiêu phần trăm thì đến nay chưa ai tổng kết, song cá nhân tôi không hoàn toàn tin rằng các dự án này sẽ hoàn tất 100% bởi đa phần các dự án này khi lập là theo chủ quan của những người làm qui hoạch và chủ đầu tư khi Hà Nội chưa có qui hoạch tổng thể mở rộng. Họ chỉ định hướng xây dựng dự án trên đất Hà Tây thôi, nhưng khi qui hoạch toàn diện Hà Nội rồi, các dự án được đặt vào bối cảnh chung Thủ đô mở rộng, sẽ thấy có dự án không trùng khớp, không hợp lý.
Đây cần được xem là điều tất yếu, và cũng đừng nghĩ rằng các dự án phải dừng lại nghĩa là đổ bể hay thất bại. Trong tương lai, Hà Nội sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn chính xác hơn. Càng theo qui hoạch sẽ phát triển ổn định, tốt hơn không có qui hoạch. Được biết, trước ngày 1/8, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng về các dự án có khả năng phải tạm dừng, các dự án được triển khai tiếp, và sau đây Chính phủ sẽ có hướng chỉ đạo.
- Còn các chuyên gia nước ngoài có ý kiến gì với ta về vấn đề phát triển đô thị tại Thủ đô nói chung, thưa ông?
- Cái khó nhất là phải hài hòa các dự án đô thị với nhau, nhưng vẫn đặt trong một bối cảnh phát triển hợp lý nhất và chỉ rõ xu hướng nếu phát triển theo kiểu tản mạn, trải dài toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ là không hợp lý. Xu hướng tụ vào các điểm đô thị, tụ vào các đô thị vệ tinh sẽ tốt hơn. Các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo chúng ta nếu Thủ đô gần 3.300km2 mà cứ phát triển lan đều thì sẽ phải trả giá rất đắt về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Trùng hợp bất ngờ
Phó Viện trưởng Ngô Trung Hải (Ảnh: H.H)
- Quá trình làm việc với các chuyên gia “ngoại” xung quanh vấn đề qui hoạch Thủ đô mở rộng, tiếp cận với cách nhìn và quan niệm của họ có điều gì làm ông và các đồng nghiệp (chuyên gia “nội”) bất ngờ, ngạc nhiên không?
- Chúng tôi khá bất ngờ và vui vì nhận ra những nét tương đồng, có thể nói là trùng quan điểm giữa tài liệu mà Viện chúng tôi nghiên cứu (đã trình Quốc hội tháng 4/2008) với ý tưởng của tư vấn Nhật Bản - Hà Lan. Cũng có đô thị hạt nhân và hàng loạt đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Đại Nghĩa, Phú Xuyên, Thường Tín và các tiểu đô thị vệ tinh... Cách đề xuất để giữ lại các khu vực này cũng hợp và trùng nhau.
Ngay cả khái niệm “thành phố cốt lõi” mà một trong các tư vấn đưa ra, dựa vào cái gốc là Hà Nội “cũ” để rồi nở ra như những cánh hoa (theo ý tưởng của nhóm RTKL) cũng trùng với suy nghĩ của chúng tôi - Hà Nội ngàn năm cũ với 3 - 4 triệu dân mãi mãi là trung tâm Thủ đô, là cơ bản, là hạt nhân, là gốc. Các khu vực khác sẽ có chức năng phụ trợ, giúp hạt nhân này hoàn thành tốt sứ mạng của một Thủ đô mà lịch sử đã tạo dựng nên.
- Xin cảm ơn ông!
"Không chỉ Hà Nội mà người dân cả nước đang dõi theo quá trình lập kế hoạch quy hoạch cho Hà Nội. Đây là trách nhiệm công dân, thể hiện lòng yêu tổ quốc. Ai cũng mong muốn được thấy một thủ đô hiện đại và phát triển. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong quá trình quy hoạch, chúng tôi cũng sẽ lấy ý kiến người dân. Cách lấy ý kiến như thế nào cho hiệu quả còn phải bàn bạc thêm. Ví dụ, Thủ tướng đề nghị làm một khu triển lãm quy hoạch, làm mô hình sa bàn để người dân tới xem, góp ý. Đó cũng là một cách góp ý. Chúng tôi cũng sẽ mời các nhà khoa học tham gia. Các công dân trong quá trình theo dõi sẽ gửi thư đến và chúng ta phải lắng nghe các ý kiến đó. Mọi người dân yêu nước và có trí tuệ đều có thể góp ý và được lắng nghe, ghi nhận".
- 0
- By Admin
- 08/08/2008
- 17