Nếp nhà trong kiến trúc
Người có tuổi thích phòng đơn giản |
Nếp sống có cách riêng của gia đình trẻ
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Bắc, gia chủ dễ thường bị tác động bởi các nhà chuyên môn, họ biểu kiến theo ý chủ quan của người trong nghề nên nhiều khi chỉ có hiệu ứng một chiều. Chủ nhà thì cứ xem bản vẽ thấy đẹp, có đủ các không gian chức năng là... được mà quên rằng, có những yếu tố rất “đời thường”, cần kíp cho lối sống riêng của gia đình bị bỏ quên. Bà Thu Lan ở Nguyễn Tri Phương, Q.10 xây ngôi nhà bốn tầng khang trang, thang lên lầu nằm ở vị trí giữa nhà. Từ đó, cứ bước lên mỗi tầng là phân thành hai phòng trước – sau với cửa đóng kín. Chính sự gọn gàng và tách biệt vậy mà mỗi lần kêu con từ trên lầu ba xuống ăn cơm, bà Thu Lan phải dùng điện thoại gọi! Kỹ sư Bắc kể, về sau, bà Thu Lan tâm sự, việc cho con tuổi teen cứ “một cõi” trong phòng riêng vậy thật bất tiện, không giám sát được cháu làm gì! Ngay như, người mẹ muốn biểu lộ tình thương cất giọng “con ơi xuống ăn cơm...!” và muốn nghe đứa con yêu “dạ...” cũng không được. Kỹ sư Bắc nói, đó là những chiều kích giao tiếp thật “lạnh lùng, bởi đã đóng kín các không gian sống”, trong khi ngôi nhà cần có những không gian mở.
Phòng ngủ chính, hiện đại của đôi vợ chồng trẻ trong không gian rộng, được thiết kế có luôn khu vực vệ sinh, khu vực phục sức, trang điểm. Và những không gian đó không ngăn riêng biệt mà liên thông nhau; chỉ phân định có tính ước lệ bằng tấm rèm, chậu cảnh, vách kính hay bức bình phong... Phòng trở nên thoáng rộng. Nhưng với chị Thanh, sau khi dọn vào ở chưa được một tháng đã thấy “kỳ kỳ” nên nhờ kiến trúc sư Đặng Phước Toàn sửa lại. KTS Toàn phải làm cửa riêng, phân cách kín đáo hơn cho nhà vệ sinh.
Bếp nhà quê có cả cái nhà |
Thuận theo nếp sống người có tuổi
Có những việc có thể chỉnh sửa để cấu trúc nhà cửa “thuận” theo nếp sống của chính những con người trú ngụ trong ngôi nhà đó. Nhưng cũng có những trường hợp “bó tay” do thói quen của các cụ mà phải... chiều. Trong nhà vệ sinh, người lớn tuổi thường hay giăng mắc áo quần, khăn... khắp nơi như một thói quen không thích “dịch chuyển”. Khi đó, cần có một nhà vệ sinh thiết kế riêng cho lối sống... riêng biệt đó. Cái áng nước cũng vậy, có những người lớn tuổi vẫn thích và vẫn quen ngồi đòn lặt rau, giặt cái khăn mặt, gội đầu... chứ không ưa lên bồn rửa, lavabo hay vào toilet. Bà cụ Thêm 75 tuổi, bảo, “hồi đó cứ ra suối tắm giặt, trong nhà thì có áng nước, quen rồi”. Lẽ đó mà con cụ phải tổ chức một áng nước cho cụ thoả lòng, mặc dù nhà cao cửa rộng, không thiếu một tiện nghi nào. Có những nhà chẳng biết làm sao, bèn “chèn” cái áng nước này dưới bàn bếp trông rất thô kệch. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu cho rằng, thực ra có nhiều cách thiết kế và bố trí chức năng này trong nhà nhưng vẫn đẹp, thích hợp. Chẳng hạn, tận dụng hè sau ngôi nhà hay một góc nào đó trong không gian nhà bếp và trang trí nó như một áng nước quê, với lu, gáo, cây cảnh...
Một ngôi nhà vườn đã lâu với diện tích xây dựng hơn 100m2 khang trang ở vùng quê Tiền Giang, bếp ăn không nằm trong nhà này mà có chái bếp riêng phía sau. Sau khi tư vấn nhà chuyên môn, về quê, cô Kim ở Bình Tân kêu nhà thầu xây cho ba mẹ đang ở ngôi nhà vườn này ba dãy tủ bếp trong nhà sạch đẹp, có bồn rửa, bếp điện, bếp gas... đủ cả. Cô Kim nói, tổ chức như vậy để “ba mẹ lớn tuổi rồi khỏi phải lần mò ra sau chái bếp, đêm hôm không thấy đường nguy hiểm...”. Thế nhưng bà mẹ cô Kim bảo, “tụi bây làm gì thì làm chớ đừng bỏ cái bếp của tao đó nghen!”. Cô Kim kể, về quê, bây giờ vẫn y như cũ, “vẫn cái nồi cơm điện, bếp gas, nồi niêu... trên bộ ván ngựa”; trong chái bếp còn có cái giường chiếc, cái võng vẫn đu đưa ngó ra ngoài áng nước “và hai ông bà vẫn nấu nướng, ăn uống chính là ở đó”.
Theo SGTT
- 418
- By Admin
- 08/01/2009
- 17