Nên nhìn nhận đúng về 'phân lô bán nền' tại Tp.HCM
Sự việc xôn xao tại Tp.HCM xuất phát từ việc một bí thư huyện ủy đăng đàn 'kêu oan' (!) rằng cấp dưới đã tự ý để người dân lập “phương án” phân lô bán nền là vi phạm, gây bất lợi cho nhà nước...Điều này sau đó tạo ra sự tranh cãi trong dư luận là việc 'phân lô bán nền' lợi - hại rao sao, nên hay không nên?
Việc phân lô bán nền tại Tp.HCM mà báo chí phản ánh thời gian qua chủ yếu theo chiều hướng tiêu cực. Ảnh: tuoitre.vn |
Để bàn về cái nên hay không nên của hoạt động được cho là 'vi phạm' này cần thiết trở lại thực tế trước năm 2009, khi giá bất động sản và lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt, những người dân lao động bình thường của Tp.HCM rơi vào thế “muôn đời không thể mua được nhà ở” với đồng lương ít ỏi của mình. Trước thực trạng này, UBND Tp.HCM đã ra Quyết định 19 (ban hành vào ngày 15/2/2009) cho người dân được phép tách thửa chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, nhờ đó đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho người dân.
Sau đó phía UBND Tp.HCM lại tiếp tục ra Quyết định 33 (ban hành ngày 15/10/2014) về việc mở rộng giới hạn diện tích được tách thửa. Theo đó: Trường hợp thửa đất không thuộc khu vực nhà nước phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt thì UBND các quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất, xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, đồng thời với việc thực hiện tách thửa đất.
Trên thực tế trong thời gian khoảng 6 năm qua rất nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố đã thực hiện cho phép người dân lập “phương án” chuyển mục đích sử dụng đất, hay chính là phân lô bán nền khá rầm rộ như: huyện Bình Chánh, quận 12, quận 2, Hóc Môn, Thủ Đức, quận 9... giải quyết được rất nhiều chỗ ở cấp thiết cho người dân. Như vậy cái lợi nhìn thấy là rất rõ.
Thử lấy ví dụ tại nơi mà vị bí thư trên 'kêu oan' là huyện Hóc Môn. Cho đến nay, theo hồ sơ báo cáo công khai, cả huyện có tổng cộng 53 hồ sơ được duyệt theo Quyết định 33 chuyển mục đích sử dụng 14,2 ha, đất làm đường giao thông là 3,62 ha. Với con số này có thể tính sơ lược ra số tiền mà nhà nước và cộng đồng xã hội được hưởng là không nhỏ. Cụ thể, tiền thuế chuyển mục đích bình quân 1 triệu đồng/m2 là 140 tỉ đồng; nhà nước không đền bù 3,62 ha làm giao thông mà hạ tầng còn hưởng thụ hơn 5,5 km đường rộng từ 6 - 7 m trị giá cũng lên tới hàng trăm tỉ đồng nữa...
Nếu cứ nhân như vậy cho cả địa bàn thành phố thì số tiền thu được thực sự rất lớn, không có chính sách nhà ở cho dân nghèo nào hiệu quả hơn.
Thế nhưng thật đáng tiếc khi một chủ trương đúng và đã được triển khai tốt đẹp suốt 6 năm qua lại bị xáo lên gây mất ổn định cho một chính sách an cư. Đáng tiếc cho cả Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố khi ban hành một số văn bản không đúng với tinh thần của các quyết định của UBND Tp.HCM (cụ thể là Văn bản 142 ngày 7/1/2016 và gần đây nhất là Văn bản 2056 ngày 14/3/2016).
Việc hạn chế quyền chuyển nhượng (mua bán) đất ở (nền) của người dân là sai luật và 'đặt vấn đề' với việc 'phân lô bán nền' rất dễ gây hiểu nhầm như một sự hậu thuẫn cho các kiểu kinh doanh địa ốc với giá cắt cổ khác.
Chính sách tốt nhưng vấn đề người dân và dư luận quan tâm là việc giám sát thực hiện cũng như chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước đến đâu. Thực trạng nếu có chẳng hạn như nhà ổ chuột, hạ tầng thi công gian dối kém chất lượng hoặc không đồng bộ với hạ tầng hiện hữu... thì đương nhiên trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu quận huyện và người đứng đầu các cơ quan quản lý chuyên ngành.
- 0
- By Admin
- 28/03/2016
- 17