Nên "luật hóa" quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Những ý kiến của hội thảo sẽ là cơ sở để xây dựng các điều khoản về giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự thảo Luật đất đai sửa đổi và góp ý cho dự thảo sửa đổi bổ sung nghị định 69 năm 2009 về giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Các đại biểu dự hội thảo tán thành việc đưa những vấn đề cụ thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng vào dự thảo luật.
Dự án, quy hoạch “treo” càng lâu càng khó bồi thường. Trong ảnh: khu quy hoạch “treo” công viên cây xanh tại P.Thạnh Xuân (Q.12, Tp.HCM) |
Khó bồi thường dự án bị “treo” lâu
"Luật hóa các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ làm quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư công khai, minh bạch hơn" Ông Nguyễn Văn Hồng (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Tp.HCM) |
Theo dự thảo luật, giá đất bồi thường xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Nhiều đại biểu cho biết quy định này rất khó thực hiện. Thực tế có nhiều trường hợp Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất từ năm 1996 đến nay chưa bồi thường được. Nếu như sắp tới Nhà nước bồi thường đất cho dân mà áp dụng giá đất từ 17 năm trước thì người dân bị thiệt thòi quá nhiều. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị phải điều chỉnh nội dung này theo hướng giá đất bồi thường là giá đất tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.
Thực tế ở các địa phương xảy ra nhiều trường hợp sau khi có quyết định thu hồi đất hoặc có quy hoạch, người dân đã tự ý giao dịch ngầm, chia tách, tự chuyển mục đích sử dụng đất (xây nhà trái phép) hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay. Những giao dịch ngầm này làm thực trạng sử dụng đất khác xa nhiều so với thông tin pháp lý do các cơ quan nhà nước quản lý, nhất là ở những khu vực quy hoạch hoặc các dự án “treo” lâu ngày. Từ đây, các đại biểu đề xuất ban soạn thảo cần quy định rõ (trong luật hoặc trong nghị định) những trường hợp biến động trên đất trái phép thì phải bồi thường như thế nào, bồi thường cho ai...
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cũng băn khoăn: các giao dịch ngầm này rất phổ biến, phải tìm cách giải quyết nếu không sẽ bị ách tắc khi bồi thường, làm chậm tiến độ dự án. “Những trường hợp mua đất giấy tay trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực) thì được xem như mua đất hợp pháp, được bồi thường. Còn như người dân mua đất giấy tay sau thời điểm trên thì có thể bồi thường nhưng trừ đi khoản tiền nộp thuế chuyển quyền được không?” - ông Hiển gợi ý.
Không “cào bằng” các đối tượng nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
Đại biểu huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đề nghị không nên quy định chỉ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Khoản hỗ trợ này bằng 1,5-5 lần giá đất nông nghiệp là rất lớn so với tiền bồi thường. Vì thực tế có trường hợp công chức, công nhân sống một phần bằng nghề nông không được hưởng khoản hỗ trợ này khi thu hồi đất thì họ chịu thiệt thòi rất nhiều.
Quy định yêu cầu người đang sử dụng đất được chính quyền địa phương nơi thường trú xác nhận có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp thì mới được nhận khoản hỗ trợ này chưa bảo đảm việc chi trả hỗ trợ đúng người. Đại diện huyện Nhơn Trạch đưa một trường hợp cụ thể: một người có hộ khẩu tại quận 1, Tp.HCM có đất nông nghiệp ở huyện Nhơn Trạch bị giải tỏa cũng được UBND một phường ở quận 1 xác nhận người này có thu nhập chính từ nghề nông. Một số đại biểu khác cũng đồng tình và đề nghị bỏ quy định này, để tất cả những trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp đều được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường trao đổi: các địa phương không nên “cào bằng” các đối tượng nhận hỗ trợ và các đối tượng nhận bồi thường khi thu hồi đất. Khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhằm giúp người nông dân có chi phí để đi học nghề khác, tạo công ăn việc làm sau khi họ mất đất, mất kế sinh nhai. Mục đích là giúp nông dân có điều kiện tạo một cuộc sống mới tốt hơn cuộc sống trước kia. Đây không phải là một khoản bù đắp do giá bồi thường đất nông nghiệp thấp. Vì vậy những công chức, công nhân... đã có công việc ổn định thì không được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm.
- 146
- By Admin
- 02/03/2013
- 17