Nên coi nhà tái định cư là một phân khúc thị trường
Chính vì vậy, sở Xây dựng TP.HCM vừa có bản đề xuất UBND thành phố cho phép người dân được chuyển nhượng suất tái định cư. Tuy nhiên, bản đề xuất chưa nhận được sự đồng thuận của người dân và cả cơ quan chức năng vì nhiều quy định “quá khắt khe”.Nhu cầu có thật
Theo một khảo sát vừa được sở Xây dựng TP.HCM công bố, tại các dự án tái định cư, có đến 1/5 số suất tái định cư đã được chuyển nhượng bằng hình thức uỷ quyền cho người khác nhận thay suất tái định cư. Cá biệt tại một số dự án, tỷ lệ bán suất tái định cư lên đến 40%, thậm chí 70%.
Điển hình là tại khu tái định cư Bùi Minh Trực, quận 8 nhiều căn hộ đã được người dân bán đi vì nhiều lý do. Để “né” luật, người mua và người bán đã thống nhất làm một bản hợp đồng giao dịch dân sự bằng giấy tay. Trong đó thường là người mua yêu cầu người bán phải làm giấy uỷ quyền cho mình đứng tên làm toàn bộ giấy tờ nhà, giao dịch… Đến khi có giấy chủ quyền nhà, hai bên sẽ ra làm hợp đồng công chứng, đăng bộ sang tên.
Anh Nhàn, một người mua căn hộ tái định cư tại đây cho biết, anh được một người bạn đã mua nhà tái định cư tại đây giới thiệu mua một căn hộ gần 60m2, với giá hơn 600 triệu đồng. Hiện anh Nhàn đã hoàn tất mọi thủ tục sang tên căn hộ.
Trong khi đó, trong số 122 căn hộ tại chung cư tái định cư An Cư, quận 2 – nơi tái định cư cho những hộ dân bị giải toả tại quận 2, khoảng hơn một nửa đã được sang tay cho người khác.
Giám đốc công ty TNHH dịch vụ bất động sản Phú Lợi, Nguyễn Văn Lợi, cho rằng mua bán suất tái định cư là “nhu cầu có thật”. Do đó, trong thời gian qua, dù thành phố cấm nhưng hiện tượng “bán lúa non” bằng giấy tay diễn ra. Do giao dịch trong điều kiện lén lút, nên nhiều hệ luỵ đã xảy ra với cả người mua và người bán.
“Với người bán do bị cấm nên giá thấp hơn giá thị trường. Trong khi đó, người mua sẽ gặp nhiều rủi ro khi xảy ra tranh chấp”, ông Lợi nói.
Mở… hé cửa
Theo dự thảo quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển nhượng suất tái định cư do sở Xây dựng trình UBND thành phố quy định: khi người dân có nhu cầu bán suất tái định cư phải có văn bản thông báo cho UBND quận, huyện. Nếu sau một tháng thẩm tra mà UBND quận huyện không có ý kiến gì thì người dân mới được quyền bán.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định UBND quận huyện, cơ quan quản lý nhà được quyền ưu tiên mua lại các suất tái định cư này theo giá thị trường chứ không áp đặt giá. Trường hợp bên mua suất tái định cư là cá nhân thì người đó phải có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, đồng thời phải cam kết không sở hữu căn nhà nào khác tại thời điểm mua suất tái định cư…
Những điều kiện trên không nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía. Trong một văn bản gởi sở Xây dựng, phó giám đốc sở Tư pháp TP.HCM Ung Thị Xuân Hương, cho rằng quy định “nếu UBND quận huyện hoặc đơn vị quản lý nhà có nhu cầu mua lại, nhưng hộ tái định cư không đồng ý với giá mà các cơ quan này đề xuất thì cũng không được bán cho người khác”, là hạn chế quyền lợi của người dân. Đối với quy định “cá nhân muốn nhận chuyển nhượng suất tái định cư phải có hộ khẩu thành phố”, sở Tư pháp đề nghị bỏ vì vi phạm quy định pháp luật về cư trú và luật Nhà ở.
Sở Tư pháp cũng cho rằng, quy định không có căn nhà nào tại thời điểm mua suất tái định cư không phù hợp với pháp luật dân sự về quyền sở hữu và pháp luật về nhà ở. Bà Hương cũng đề xuất nên bỏ quy định bên nhận chuyển nhượng suất tái định cư phải có sự xác nhận của UBND quận, huyện về nhu cầu sử dụng vì hiện nay không có quy định nào chế tài nếu các tổ chức này sử dụng không đúng mục đích như cam kết.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, việc kiểm soát này cũng không cần thiết, vì nhà đất sau khi nhận chuyển nhượng đã thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp, nên họ có quyền của chủ sở hữu, người sử dụng.
Theo SGTT
- 0
- By Admin
- 29/01/2010
- 17