"Nếm trái đắng" vì bán vật liệu xây dựng qua... miệng
Quán cơm Thành Đạt - nơi bán nợ cho ông Kiệt. |
Trong những ngày qua hàng chục hộ dân tại thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lo lắng không yên vì có nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân là do nhiều người dân ở đây, đã cung cấp hàng hóa, vật tư cho người thầu thi công các dự án, mà không có bất cứ hợp đồng, giấy tờ mua bán nào ngoài những lời cam kết miệng.
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ cửa hàng buôn bán vật tư ở thôn Tân Hy cho biết từ tháng 5/2012, chị Thu đã cung ứng vật tư như giày bảo hộ, dây an toàn, đá nhám cho một người tên Nguyễn Văn Kiệt, tự xưng là chủ thầu thi công một dự án ở khu đô thị Dung Quất (Quảng Ngãi). Do quá tin tưởng ông Kiệt là khách hàng quen, nên chị Thu đã bán nợ hàng vật tư với hy vọng xong công trình chủ thầu này sẽ trả nợ.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8 sau khi hoàn thành công trình, ông Kiệt đã bỏ đi trong khi vẫn chưa thanh toán số tiền đã nợ. Chị Thu nhiều lần điện thoại đòi nợ nhưng chỉ nhận được lời hứa suông. Chị Thu cũng không biết tìm ông Kiệt ở đâu đề đòi nợ. Đến lúc này, chị Thu mới ngỡ ngàng trước nguy cơ mình mất số tiền hơn 60 triệu đồng.
Chị Thu cho biết: “Thường tôi cho nợ cỡ 8 triệu là người ta trả tôi 5 triệu, còn để gối đầu 3 triệu thôi. Nhưng hết tuần này anh nói qua tuần sau lí do tiền chưa chuyển tiền kịp. Đến tuần sau anh lại nói là chưa có tiền. Rồi cuối cùng anh ấy bảo làm xong công trình anh đưa. Nhưng khi xong công trình anh ấy đi luôn gọi điện thì tắt máy”.
Không chỉ có riêng chị Thu mà hàng chục hộ dân buôn bán hàng vật tư, cung ứng xuất ăn cho công nhân ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Chị Nguyễn Đoàn Ngọc Thúy, chủ quán cơm Thành Đạt ở thôn Tân Hy chuyên cung ứng xuất ăn cho công nhân ở khu đô thị Dung Quất (Quảng Ngãi) từ hồi tháng 5 đến tháng 8/2012. Trong thời gian này, chị Thúy đã cung ứng gần 2.000 xuất ăn cho công nhân của ông Kiệt. Đến nay số tiền ông Kiệt nợ các xuất ăn của chị Thúy lên đến hơn 120 triệu đồng.
Mặc dù cung ứng xuất ăn với số tiền lớn như vậy, nhưng chị Thúy cũng như nhiều người buôn bán ở xã Bình Đông chỉ thực hiện thỏa thuận bằng cam kết miệng, mà không có bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào. Thậm chí không hề biết về nhân thân của người mình bán hàng nợ.
Chị Thúy cho biết, hầu như chị "không biết gì nhiều về anh này. Trong sổ không có xác nhận công nợ. Em bảo anh ra xác nhận nhưng cứ hẹn hoài mà không ra. Em điện thoại nhiều thì anh ấy bảo đã về Sài Gòn vài ngày ra nhưng đến bây giờ hơn 1 tháng mấy rồi vẫn không thấy”.
Một thực trạng đáng buồn hơn đối với những người dân này, đó là khi các chủ thầu mua hàng để thi công công trình đều đòi hỏi cung ứng với số lượng lớn, nên những người dân buôn bán, cung ứng hàng hóa đều phải vay thêm tiền để xoay sở kinh doanh. Trước tình trạng này, nhiều người dân ở thôn Tân Hy đối diện với nguy cơ vỡ nợ.
Anh Trần Hữu Nhiệm, chủ cửa hàng điện cơ Lâm Hồng, thôn Tân Hy cho biết: “Để bán hàng tôi đã vay nợ lên tới 45 triệu rồi, vay ngoài nên lãi suất rất cao. Tôi cũng nói ông Kiệt nhiều nhưng ông ấy nói từ từ rồi ông ấy trả phụ bớt tiền vay. Nhưng hứa nhiều lần cả tháng rồi cũng không thấy ông ấy đâu”.
Điều đáng nói ở đây là các chủ cửa hàng bán nợ cho ông Kiệt đều ghi chi tiết số lượng hàng hóa, ngày giờ giao hàng, số tiền nợ. Những cuốn sổ nợ được các chủ cửa hàng ghi chép cẩn thận với số nợ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, về mặt pháp luật thì những cuốn sổ nợ này hoàn toàn không có giá trị pháp lý để người dân có thể đòi tiền nợ cho mình.
Đối với nhiều vùng quê, khi có nhiều nhà thầu, nhiều dự án sẽ là cơ hội làm ăn và phát triển kinh tế đối với nhiều hộ dân. Tuy nhiên, do không hiểu biết pháp luật và quá tin tưởng những người khách “quen”, nhiều người đang đối diện với nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng từ những lời cam kết miệng.
(Theo VTV)
- 0
- By Admin
- 10/10/2012
- 17