Năng lực quản lý điều hành các dự án yếu kém: Nguy hại hơn cả lãng phí!
Công trình cầu Nguyễn Văn Cừ - chậm tiến độ tính bằng năm, đây là hình ảnh điển hình về sự chậm trễ của các công trình giao thông ở TPHCM. |
Trong khi nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tăng chóng mặt thì bộ máy quản lý điều hành các dự án không được phát triển để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Kết quả, hầu hết các dự án đầu tư công đều bị chậm tiến độ làm đội vốn đầu tư lên cả ngàn tỉ đồng, gây lãng phí lớn.
Hàng chục dự án bị đình trệ nhiều năm làm vốn đầu tư tăng thêm vài lần. Nguy hại hơn, những dự án này có nguy cơ bị bế tắc bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Trong đó, nguyên nhân hàng đầu đó là năng lực điều hành, quản lý các dự án không theo kịp yêu cầu hoặc bị quá tải bởi số lượng dự án quá nhiều.
Vốn tăng theo cấp số nhân
Gần chục năm qua, TPHCM đã và đang nỗ lực tìm kiếm mọi nguồn vốn đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị. Những số liệu sau đây sẽ minh chứng cho điều đó. Năm 2002, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của toàn thành phố là 2.200 tỉ đồng; năm 2003 đã tăng 7.000 tỉ đồng; năm 2004 là hơn 10.000 tỉ đồng... Chỉ 6 năm sau, năm 2008 vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố đã tăng hơn 6 lần so với năm 2002.
Theo kế hoạch, vốn đầu tư của toàn năm 2008 là 15.300 tỉ đồng. Không chỉ có vậy, trong vài năm tới xu hướng vốn đầu tư đổ vào các dự án cải thiện hạ tầng vẫn sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Theo tính toán sơ bộ, chỉ tính riêng đối với một công trình hạ tầng cấp bách nhất như 3 tuyến tàu điện ngầm và hệ thống đường vành đai đã ngốn từ 8 đến 9 tỉ USD vốn đầu tư. Xa hơn, đến năm 2020 tổng vốn đầu tư cho các dự án giao thông có thể lên đến 26 tỉ USD.
Nếu chỉ nhìn vào con số đơn thuần cũng đã thấy được tốc độ gia tăng chóng mặt của vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố. Đằng sau sự gia tăng chóng mặt về vốn đổ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đó là mối lo năng lực quản lý, điều hành để nguồn vốn này phát huy được tác dụng của nó. Thế nhưng thực tế cho thấy, năng lực quản lý điều hành đã không theo kịp sự gia tăng nguồn vốn dẫn đến việc hàng loạt các dự án bị chậm tiến độ, không phát huy được tác dụng gây lãng phí lớn.
Năng lực có vấn đề
Tại diễn đàn của Hội đồng Nhân dân TPHCM, ông Trương Trọng Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư, Đại biểu hội đồng Nhân dân TPHCM nhiều lần đặt vấn đề về sự quá tải trong việc quản lý điều hành nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố hiện nay. Năm 2005, Hội đồng Nhân dân thành phố đã mở một cuộc giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản tại 2 sở có nhiều dự án nhất của thành phố là Sở Giao thông Công chính (bây giờ là Giao thông Vận tải) và Sở Giáo dục - Đào tạo.
Kết quả giám sát minh chứng cho nhận định về sự quá tải, quá tầm trong việc điều hành. Năm 2004, Sở Giao thông Công chính được giao thực hiện 373 dự án trị giá 3.149 tỉ đồng; năm 2005 được giao 267 dự án tổng vốn gần 2.231 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm giám sát tháng 7.2005, Sở Giao thông Công chính mới chỉ triển khai tổng cộng 187 dự án với tổng vốn thực hiện 1.273,3 tỉ đồng, chỉ đạt 57% so với kế hoạch được giao. Còn tính riêng kế hoạch của năm 2005, đã đến tháng bảy mà sở mới chỉ khởi công được 25/267 dự án theo kế hoạch.
Trong báo cáo giám sát này, HĐND kết luận: " Chính nhu cầu đầu tư và hạ tầng kỹ thuật quá lớn, số lượng vốn và công trình đã vượt khả năng quản lý của ngành".
Riêng đối với ngành giao thông công chính, Hội đồng Nhân dân cho rằng: "Quản lý lượng công trình chiếm tỉ trọng vốn quá lớn trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của TPHCM 1.844 tỉ đồng/10.000 tỉ đồng vốn đầu tư của cả thành phố năm 2005.
Trong đó, chỉ tính riêng Khu quản lý giao thông đô thị số 3, ba tháng đầu năm 2005 đã được giao 209 dự án với tổng vốn 1.010 tỉ đồng, trong đó đảm trách đến 8 công trình trọng điểm. Chỉ sơ sài vài nét đã cho thấy phần nào bức tranh về vốn đầu tư, cũng như năng lực điều hành quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố.
Năm 2006 được TPHCM chọn làm năm thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng. Thực hiện chủ đề này, thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư của hơn 2.000 dự án - với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng - tự đánh giá, rà soát. Đồng thời, thành phố cũng đã tập trung thanh - kiểm tra 240 dự án, đã xử lý 32 vụ có sai phạm. Về hình thức xử lý thì ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ xử lý hành chính, có vụ xử lý hình sự. |
- 0
- By Admin
- 04/09/2008
- 17