Nắm bắt cơ hội trong kinh doanh bất động sản
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản An Khang tại buổi hội thảo "Chia sẻ cơ hội đầu tư và quản lý dòng tiền" do CLB CashFlow phối hợp với Viện tin học doanh nghiệp (VCCI) tổ chức chiều 8/8 tại Hà Nội.Với kinh nghiệm hơn 15 năm kinh doanh thành công, bà Hạnh cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản, điều cốt yếu đầu tiên là phải biết nắm bắt cơ hội đầu tư. "Cơ hội không tự nhiên đến mà mọi người phải đi tìm kiếm cơ hội", trong quá trình tìm kiếm ấy, việc xác định đâu là thời điểm mà ta có thể chớp lấy cơ hội đầu tư là hết sức quan trọng.
Thị trường bất động sản Việt Nam sở dĩ luôn nóng lạnh bất thường, thậm chí có những "cơn sốt ảo" cung thừa và cầu thiếu không thể liên thông được với nhau có nguyên nhân từ tâm lý kinh doanh kiểu "đám đông" của nhiều nhà đầu tư. Khi thị trường "sốt" thì vô số người "lao" vào mua đất, mua nhà với giá "trên trời", tới khi thị trường "hạ nhiệt" xuống dốc thì số này thua lỗ, không còn ai thiết tha với bất động sản khiến thị trường càng "đóng băng". Theo quan điểm của bà Hạnh, thời điểm thị trường ảm đạm chính là lúc những nhà đầu tư khôn ngoan cần đẩy mạnh kinh doanh, hơn nữa dòng tiền cần được luân chuyển để sinh lời không thể nằm im ở một mảnh đất nào đó.
Trong kinh doanh bất động sản, không nhất thiết nhà đầu tư cần phải có một lượng vốn lớn, quan trọng là phải có tầm nhìn về xu hướng phát triển của thị trường. Cần tìm mua những bất động sản từ lúc chúng có giá trị thấp là một ao hồ hoặc đầm lầy chỉ 2-3 triệu đồng/m2 thậm chí vài trăm nghìn đồng 1m2, nếu vị trí đó được xác định là sẽ phát triển thành khu đô thị thì giá trị sau đó sẽ cao gấp nhiều lần. Trong trường hợp không thể bán khu đất đó với giá cao thì đó cũng là khối tài sản có giá trị thừa kế hoặc giá trị vay thế chấp ngân hàng, với nhiều người đây còn là nguồn thu nhập thụ động ổn định khi đem đất/nhà cho thuê.
Tuy nhiên, đầu tư bất động sản cũng có rủi ro rất lớn, đó là khi nhà đầu tư mắc sai lầm trong việc đánh giá lợi nhuận của tài sản. Một nhà đầu tư ở Đà Nẵng đã mất trắng 5 tỷ đồng do "lỡ tay" mua một khu đất rộng 1000 m2 nằm trong vùng quy hoạch của thành phố chỉ được đền bù vài trăm triệu đồng. Do đó, lời khuyên với các nhà đầu tư là phải quan tâm tới tính pháp lý của bất động sản trước khi đặt bút ký mua. Miếng đất dù có vị trí địa lý đẹp, địa thế tốt nhưng nếu là đất quy hoạch hoặc đất tranh chấp thì nhất thiết nên từ chối. Còn nếu đã thẩm định chắc chắn về các điều kiện pháp lý, khả năng sinh lời cao, hợp với năng lực bỏ vốn thì nhà đầu tư chỉ cần quyết đoán để không bỏ lỡ cơ hội mua vào, nếu không thể tự quyết định hãy tìm tới các tư vấn viên, hoặc những người có kinh nghiệm để thoát khỏi tâm lý "sợ mất".
Cũng tại buổi hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần Bất động sản An Khang chia sẻ thông tin về những vịtrí bất động sản có thể sinh lời cao hiện nay tại Hà Nội. Theo đó, các vị trí thuộc thành phố Hà Đông cũ như khu Văn Quán, Văn Khê chưa bao giờ đứng giá trong 3 năm trở lại đây, trừ khu Văn Phú ít biến động hơn trong năm 2008. Ngoài ra, các khu Vân Canh, Tây Mỗ cũng là gợi ý mà các nhà đầu tư có thể tham khảo. Bằng kinh nghiệm của cá nhân, bà Hạnh cho rằng, hiện đang là thời điểm thích hợp để đầu tư bất động sản.
Nhận định trên là có cơ sơ, vì theo ông Đặng Quang Phán, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, dự báo, tới năm 2010, dân số cả nước là 93 triệu người, bình quân mỗi người dân đô thị sẽ có 80 m2 đất đô thị. Riêng tại Hà Nội, quỹ nhà, đát tái định cư cần khoảng 25.000 lô đất căn hộ và khoảng 1.000 căn hộ chung cư, tổng diện tích đất sử dụng tái định cư khoảng 70 ha; TP.HCM cần tái định cư gần 15.000 hộ dân ở ven kênh rạch, khu đô thị mới Thủ Thiêm cần gần 100 ha đất; thủy điện Sơn La cần hơn 600 ha để tái định cư cho đồng bào dân tộc…
Theo KTDT
- 0
- By Admin
- 10/08/2009
- 17