Nam Định: Dùng "luật riêng" để đấu giá đất
Vì không chịu làm theo… lệ?
Để thực hiện bán đấu giá, UBND huyện Nam Trực đã thu hồi gần 4600m2 đất của 17 hộ dân xã Nam Dương, nằm bên đường tỉnh lộ 490. Trong số các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, hộ gia đình ông Vũ Ngọc Quang bị thu hồi 567 m2 đất ruộng thôn Phượng. Mức giá bồi thường và hỗ trợ người có đất bị thu hồi thời điểm này là 35 nghìn/m2.Ảnh minh họa |
Sau khi thu hồi đất, UBND huyện Nam Trực đã thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất, mức giá khởi điểm là 91,8 triệu đồng/1 lô đất. Trong số những người tham gia đấu giá có ông Vũ Văn Anh - cán bộ ngành tòa án cũng là người địa phương này. Sau khi tham gia đấu giá, ông Vũ Văn Anh đã trúng giá lô đất có diện tích 54m2, với giá 92,1 triệu đồng.
Ngày 27/2/2009, UBND tỉnh Nam Định ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu giá do UBND huyện Nam Trực thực hiện. Bản thân ông Vũ Văn Anh cũng đã nộp đầy đủ tiền mua đất theo kết quả đấu giá quyền sử dụng đất. Ngày 15/5/2009, UBND huyện Nam Trực có quyết định 322/48/QĐ-UBND về việc giao đất theo kết quả bán đấu giá cho gia đình ông Vũ Văn Anh.
Tuy nhiên, đến nay diện tích đất mà gia đình ông Vũ Văn Anh trúng đấu giá vẫn không về với chủ vì lý do chủ cũ của thửa đất này không chịu giao đất. Lý do này đã được Phòng TN&MT huyện Nam Trực lý giải trong công văn gửi TAND huyện Nam Trực là do ông Vũ Văn Anh không chịu làm “theo thỏa thuận” với chủ đất cũ. Vậy, đó là thỏa thuận gì khiến cho việc bán đấu giá quyền sử dụng đất của UBND huyện đã thực hiện xong nhưng không thể giao đất?
Qua tìm hiểu tại địa phương, đặc biệt là trong báo cáo của Phòng TN & MT huyện Nam Trực thì đây là một thỏa thuận rất “lệ làng”. Theo đó, gia đình ông Vũ Văn Quang bị thu hồi 567m2 đất. Diện tích này được UBND huyện bán đấu giá cho một số hộ gia đình, trong đó có ông Vũ Văn Anh. Nhưng, để các hộ gia đình trúng đấu giá được nhận đất, ngoài số tiền mua đấu giá phải nộp vào kho bạc, mỗi hộ gia đình phải “nộp riêng” cho gia đình ông Vũ Văn Quang 600.000 đồng/m2.
Đối với ông Vũ Văn Anh, ngoài số tiền hơn 92 triệu đồng đã nộp vào kho bạc, ông còn bị yêu cầu nộp cho gia đình ông Quang hơn 82 triệu đồng. Ông Vũ Văn Anh không đồng ý với điều kiện này vì đây là thỏa thuận không đúng pháp luật và cũng vì vậy cho nên đến nay không được giao đất.
Do quyền lợi bị xâm phạm, ông Vũ Văn Anh đã khởi kiện “hành vi không giao đất” của Chủ tịch UBND huyện Nam Trực khiến vụ việc trở thành vụ án hy hữu “cán bộ tòa kiện chủ tịch huyện”.
Coi trọng luật pháp hay làm theo “luật riêng”
Trong vụ việc này, có dấu hiệu làm trái pháp luật của UBND huyện Nam Trực và Phòng TN & MT. Theo Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định số 216/TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ được tổ chức đấu giá đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng, hay còn gọi là “đất sạch”.Thực tế vụ việc này đã có chuyện cơ quan có thẩm quyền ở huyện Nam Trực không thực thi đúng quy định. Ông Vũ Văn Báu - Chủ tịch UBND xã Nam Dương - cho biết, do không có tiền để giải phóng mặt bằng nên địa phương này thực hiện việc đấu giá khi chưa trả tiền cho người bị thu hồi đất. Người bị thu hồi đất sẽ chỉ được nhận tiền sau khi đã thực hiện xong việc bán đấu giá. Như vậy, UBND huyện đã bán đất khi chưa xong việc giải phóng mặt bằng, đây là nguyên nhân lớn nhất của việc ách tắc, không giao được đất cho người trúng đấu giá.
Bên cạnh đó, dường như Phòng TN&MT huyện Nam Trực còn thực hiện không đúng pháp luật trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật về đất đai khi thu hồi đất và bán đấu giá. Cơ quan này đã để cho người dân thực hiện những thỏa thuận rất kỳ lạ. Theo đó, người trúng đấu giá phải trả tiền cho “chủ cũ” của thửa đất (người đã bị thu hồi đất) số tiền 600.000 đồng/m2; đổi lại, người trúng đấu giá lại được nhận tiền… đền bù giải phóng mặt bằng. Như vậy, người trúng đấu giá đã 2 lần phải trả tiền cho “hai ông chủ đất”. Bản thân người trúng đấu giá dù không phải là người bị thu hồi đất nhưng lại được ưu ái nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng với số tiền được hưởng là 35 nghìn đồng/m2.
Ngày 2/7/2012, Phòng TN&MT huyện Nam Trực tiếp tục có công văn gửi Tòa án huyện nêu phương án, ông Vũ Văn Anh tiếp tục phải trả hơn 82 triệu đồng cho chủ cũ của thửa đất, trong đó có cả diện tích đất nằm ngoài diện tích bán đấu giá, là đất hàng lang an toàn giao thông. Ngược lại, nếu “phương án” này không được thực hiện, Phòng TN&MT gợi ý Tòa án hủy bỏ quyết định 322/48/QĐ-UBND về việc giao đất theo kết quả bán đấu giá cho gia đình ông Vũ Văn Anh.
Như vậy, thay vì sửa chữa những sai sót nghiêm trọng trong vụ đấu giá đất có một không hai này, cơ quan làm sai lại muốn thoái thác trách nhiệm bằng việc đề nghị giải pháp bất lợi cho người trúng đấu giá ngay tình đã nộp tiền hơn 3 năm rồi mà chưa có đất!
Để làm rõ hơn những việc làm không đúng pháp luật trong vụ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên về vấn đề này. Thưa Luật sư, xin ông cho biết hiện nay pháp luật quy định như thế nào về việc đấu giá quyền sử dụng đất? - Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất được ban hành theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì thửa đất được đem ra bán đấu giá phải đảm bảo các điều kiện là: thứ nhất, đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phù hợp với mục đích sử dụng đất; thứ hai là đất đem đấu giá là đất đã được giải phóng mặt bằng (đất sạch) và thứ ba, phương án bán đấu giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi có đủ các điều kiện trên thì được tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất. Vậy quy trình để có “đất sạch” phục vụ việc bán đấu giá, các cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện những công việc gì, thưa ông? - Trách nhiệm của cơ quan bán đấu giá là phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Quy trình đó được thực hiện đúng pháp luật là phải có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án đề bù giải phóng mặt bằng; tiến hành đề bù cho chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi và thực hiện việc thu hồi đất trên thực tế, giao cho cơ quan chức năng quản lý diên tích đất này. Sau khi thực hiện xong các công việc trên thì cơ bản diện tích đất đem bán đấu giá là đất sạch. Sau khi có diện tích đất có đủ điều kiện để bán đấu giá, cơ quan có thẩm quyền mới xây dựng phương án bán đấu giá trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và sau phương án bán đấu giá được phê duyệt thì việc bán đấu giá sẽ được thực hiện. Như vậy, việc cho chủ đất cũ thỏa thuận với người trúng đấu giá về việc người trúng đấu giá phải trả tiền chủ chủ đất cũ là trái pháp luật, thưa ông? - Thứ nhất, nếu chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng mà đã mang đất ra bán đấu giá rồi cho chủ đất cũ thỏa thuận giá với người trúng đấu giá là trái pháp luật. Thứ hai, nếu đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng mà cho chủ đất cũ thỏa thuận lấy tiền của người trúng đấu giá cũng là trái pháp luật. Xin cảm ơn ông! |
(Theo PLVN)
- 174
- By Admin
- 17/10/2012
- 17