Nam Định: Chủ tịch tỉnh đối thoại với người dân về thu hồi đất
Trong các dự án được đưa ra đối thoại, dự án xây dựng khu tái định cư số 1 Trầm Cá được đánh giá là gây tranh cãi hơn cả và hai bên không đi đến điểm thống nhất nào.
Người dân vẫn chưa đồng thuận với chính sách về thu hồi đất. (Ảnh minh hoạ) |
Có 59 hộ dân xã Lộc An đã bị thu hồi đất nông nghiệp và đất ở theo quyết định thu hồi đất và giao đất của UBND tỉnh Nam Định ngày 4/5/2004, cùng với 57 hộ dân phường Văn Miếu và một số doanh nghiệp. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân cho rằng họ không được giao quyết định thu hồi đất và không được trao đổi với bất kỳ bên nào trước khi ban hành quyết định này. Tất cả những gì họ được biết cho đến khi bị thu hồi đất là thông báo đến trụ sở hợp tác xã nông nghiệp ký nhận tiền đền bù với mức 31.000 đồng/m2, tương đương khoảng 11,5 triệu đồng/sào, mà không có một chứng từ tài chính nào.
Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường nói họ đã tiến hành thu hồi đất đúng trình tự thủ tục theo Luật đất đai năm 1993, theo đó không quy định việc kèm theo danh sách các hộ trong quyết định thu hồi đất. Đồng thời, trước khi thu hồi đất, chủ trương này đã được phổ biến đến tất cả các hộ khi tiến hành đo đạc và ký kết biên bản đền bù. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng việc này “còn hơn cả công khai”. Còn đại diện Sở Tài chính viện dẫn các nguyên tắc tài chính và lập luận rằng không nhất thiết phải có phiếu chi trong trường hợp này.
Luật sư Trần Vũ Hải, đại diện cho các hộ dân, không đồng tình với các lập luận này. Ông cho rằng khi quyết định thu hồi đất chung cho cả dự án năm 2004 chưa được giao cho người dân thì họ không thể biết và không có cơ sở để thực hiện, đồng nghĩa với việc quyết định này không có giá trị. Đến năm 2006, UBND TP hợp thức hóa bằng việc ban hành một số quyết định thu hồi đất cho các hộ, nhưng cũng không giao quyết định này cho các hộ.
Liên quan đến mức đền bù 19.100 đồng/m2 và các khoản hỗ trợ tổng cộng 31.000 đồng/m2, người dân cho biết đây là mức giá đất áp dụng theo khung giá đất do UBND tỉnh ban hành năm 1998, trong khi việc quyết định thu hồi đất chung cho cả dự án có từ năm 2004 và quyết định thu hồi đất cho các hộ được hợp thức hóa vào năm 2006. Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng cần áp dụng Luật đất đai năm 2003 và khung giá đất theo nghị định 188/2004/NĐ-CP với mức giá đền bù 90.000 đồng/m2 (chưa bao gồm các khoản hỗ trợ). Trong khi đó, đại diện Sở Tài chính nói họ đã đền bù cho người dân theo mức cao nhất theo khung giá do UBND tỉnh ban hành năm 1998.
Hai bên không đi đến thống nhất nào trong cuộc đối thoại. Ông Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận rằng Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật không đồng bộ và khó thực hiện cho cả chính quyền địa phương cũng như người dân. Ông đề nghị Thanh tra Chính phủ giúp địa phương làm rõ, đồng thời cho biết chính quyền tỉnh Nam Định sẵn sàng xem xét các nguyện vọng chính đáng của người dân bị thu hồi đất và đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Ông đề nghị các hộ dân đề xuất nguyện vọng và nhấn mạnh vụ việc có được giải quyết hay không là phụ thuộc vào thiện chí của bà con. Luật sư Trần Vũ Hải đáp lại rằng việc giải quyết còn phụ thuộc vào thiện chí của chính quyền địa phương.
- 148
- By Admin
- 29/11/2012
- 17