Năm 2014, Hà Nội sẽ có tàu điện ngầm?
Ai cũng biết, hệ thống giao thông công cộng chủ yếu hiện nay tại Hà Nội là xe buýt, một loại phương tiện đã quá tải và là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn, ách tắc giao thông.Tuy nhiên, theo xu thế tất yếu, giải pháp mà Hà Nội đang hướng tới hiện nay vẫn là loại hình tàu điện ngầm nội đô (Metro), một loại hình phương tiện giao thông đường sắt của đô thị hiện đại... Theo quy hoạch, Thủ đô Hà Nội sẽ có 8 tuyến metro ( có bổ sung thêm 3 tuyến theo quy hoạch mới). Trong 8 tuyến nêu trên, Hà Nội đã triển khai được 3 tuyến.
Đó là tuyến đường sắt cao tốc Hà Đông về trung tâm thành phố (Cát Linh), do Cục đường sắt hợp tác với Trung Quốc đầu tư. Tuyến thứ 2 là tuyến metro ngầm từ Cầu Diễn về trung tâm Hồ Gươm (giai đoạn 1), vốn vay của Pháp. Tuyến thứ 3 từ Bắc Thăng Long chạy vào Thụy Khuê và ga Hàng Cỏ, vay vốn của JBIC (Nhật Bản). Hai tuyến trên đều do TP. Hà Nội chủ trì. Ngoài ra còn có các tuyến metro từ Láng - Hòa Lạc về trung tâm, tuyến vành đai nối tất cả các tuyến Metro lại...
Mặc dù quy hoạch về hệ thống tàu điện ngầm của Hà Nội đã có từ khá lâu, song được đặt chân lên phương tiện giao thông công cộng hiện đại này, vẫn còn là ước mơ của rất nhiều người dân Thủ đô. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư thì cũng còn nhiều những rào cản khác.
Theo ông Lê Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, với chủ trương xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt đô thị, Hà Nội đã mời rất nhiều các nhà tư vấn ở các quốc gia có hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt đô thị tiên tiến tham gia như: Pháp, Nhật, Trung Quốc, Đức, Nga... Tuy nhiên, việc xây dựng tàu điện ngầm hiện nay tại Hà Nội có những khó khăn riêng và tốc độ của các dự án này khá chậm. Đứng về góc độ quy hoạch, khó khăn đầu tiên trong việc triển khai xây dựng hệ thống tàu điện ngầm là việc giải phóng mặt bằng, việc di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi, đặc biệt là đối với các dự án hạ ngầm cáp.
Bên cạnh đó, theo thiết kế thì tất cả các tuyến tàu điện khi chạy vào trung tâm đều phải đi ngầm do đặc thù của Hà Nội, nếu chạy vào bên trong lõi của thành phố ở trên cao sẽ tác động đến những kiến trúc không gian phố cổ của Thủ đô. Thế nhưng, một vấn đề là Hà Nội có rất nhiều các di tích lịch sử, trong khi đó luật lại chưa có quy định nào liên quan đến việc bảo vệ các di tích trên cao và bên dưới mặt đất, do vậy khi xây dựng hệ thống tàu điện đi dưới mặt đất cũng có những ý kiến nhất định...
Mặt khác, hệ thống tàu điện ngầm có rất nhiều tư vấn nước ngoài nghiên cứu để triển khai tại Hà Nội, với rất nhiều các kỹ thuật khác nhau nên việc kết nối các hệ thống này cũng còn nhiều khó khăn. Do kinh nghiệm trong việc xây dựng tàu điện ngầm ở nước ta chưa có, nguồn lực còn thiếu vì vậy trong quá trình chuyển giao kỹ thuật nếu có nhiều nước tham gia sẽ gặp những khó khăn về mặt tương thích của các hệ kỹ thuật.
UBND TP. Hà Nội đã làm lễ khởi công tuyến tàu điện ngầm nội đô Nhổn - Ga Hà Nội, đây là dự án thuộc tuyến số 3 (Nhổn - Hà Nội - Hoàng Mai) nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và khu vực phía Nam. Tuyến này dài 12,5km với 9,6km đi trên cao và 2,9km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga ngầm.
Theo thiết kế tàu điện sẽ đi nổi từ đầu tuyến đến Kim Mã rồi đi ngầm trong lộ trình còn lại. Công trình được khởi công trong đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, sau lễ khởi công, công trình lại đứng im. Hy vọng sau tất cả những khó khăn, vướng mắc và cả sự lỡ hẹn với người dân đây sẽ là tuyến tàu điện ngầm nội đô đầu tiên được hoàn thành để góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô có truyền thống ngàn năm tuổi.
Tàu điện ngầm một loại hình đường sắt đô thị nhưng cũng là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, khi mà phương tiện giao thông công cộng đóng vai trò chủ yếu trong hệ thống mạng lưới giao thông. Ở Hà Nội, chủ trương xây dựng tàu điện ngầm đã có từ lâu, nhưng việc triển khai rất chậm.
Theo dự kiến, thì tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Nhổn - Hoàng Mai sẽ hoàn tất và đi vào hoạt động năm 2014. Và việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm là cần thiết, nên làm và phải làm ngay. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí bởi tàu điện ngầm cần một số vốn rất lớn và việc vận hành không đơn giản. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm và dành toàn bộ sức lực thực hiện thì dự án tàu điện ngầm sẽ trở thành hiện thực.
(Theo GTVT)
- 0
- By Admin
- 28/01/2011
- 17