Năm 2012, tối thiểu có khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị chiều 17/12. |
Chiều 17/12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị doanh nghiệp năm 2011, đồng thời công bố Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; và quán triệt Chỉ thị 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản.
Năm 2012, tối thiểu có khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những thành tích của ngành xây dựng trong bối cảnh suy thoái kinh tế và cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại. Đó là những khó khăn trong việc giải quyết bài toán đầu ra của bất động sản; việc thiếu một nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn để tạo đà cho thị trường bất động sản; năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các doangh nghiệp còn thấp, đặc biệt là năng lực cạnh tranh quốc tế…Bởi vậy, chất lượng một số công trình xây dựng đặc biệt là công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, nhà ở tái định cư chưa đạt chất lượng; một số sự án được triển khai manh mún, chậm tiến độ, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội…
Mục tiêu tăng trưởng 2012 của ngành Xây dựng là 12% - 15%; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5% - 35% GDP; diện tích bình quân nhà ở đạt 22 m2/người, phấn đầu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội.
Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 30% với 870 đô thị; 90% dân số tại các đô thị loại III trở lên được cung cấp nước máy sinh hoạt, tỷ lệ thất thoát nước sinh hoạt giảm còn 25%; 40 - 50% nước thải sinh hoạt và 100% nước thải công nghiệp và bệnh viện được thu gom xử lý, thu gom và xử lý 85% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị…
Trong Nghị định phát triển nhà ở Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ sẽ có chi tiết về quy hoạch phân khu, đặc biệt xác định rõ, không được sử dụng nhà ở xã hội vào mục đích khác.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ trình Chính phủ đề xuất việc Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, cũng như áp dụng các hình thức đầu tư linh hoạt: đầu tư trực tiếp, đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT)...
5 điểm mới của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia
Một nội dung chính của Hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng năm nay là công bố Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lần đầu tiên, Việt Nam có một bộ chiến lược phát triển nhà ở, thể hiện quyết tâm quy hoạch của nhà quản lý, hướng đến mục tiêu “vì con người”.Cả 5 điểm mới trong chiến lược này đều hướng đến giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở và các đối tượng chính sách; thể hiện sự quan tâm và quyết liệt của Bộ trong việc giải quyết triệt để những hạn chế trong thời gian qua.
Thứ nhất, chiến lược khẳng định nhà ở điều kiện để phát triển con người một cách toàn diện. Ở khía cạnh tích cực, phát triển nhà ở sẽ là điều kiện để phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH - HĐH.
Thứ hai, Chiến lược phát triển nhà khẳng định phát triển nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và của người dân.
Thứ ba, chiến lược xây dựng cơ chế, chính sách phát triển 2 loại nhà ở: nhà ở thị trường theo nhu cầu và khả năng thanh toán của người mua, khuyến khích người mua để thúc đẩy kinh tế thị trường; và nhà ở xã hội (hay nhà ở thị trường phi hàng hóa) cho những người không có khả năng thanh toán theo đúng giá trị thị trường.
Thứ tư, chính sách cụ thể hóa 8 đối tượng được xét hưởng nhà ở xã hội, bao gồm những đối tượng sau nếu có khó khăn về nhà ở: người có công với đất nước; người dân ở nông thôn, biên giới, hải đảo; người dân có thu nhập thấp ở đô thị; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, trí thức; công nhân; sinh viên; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Thứ năm, lần đầu tiên, pháp lệnh chỉ tiêu về nhà ở xã hội được đưa vào nội dung của chiến lược phát triển nhà ở, đặc biệt là đưa vào trong kế hoạch hàng năm của trung ương, địa phương.
(Theo DVT)
- 0
- By Admin
- 19/12/2011
- 17