Năm 2012, thị trường BĐS sẽ chạm đáy?
Sự kiện đêm Bất động sản (BĐS) vừa diễn ra vào tối ngày 29/7 với chủ đề "Lạm phát, chính sách tiền tệ và thị trường BĐS Việt Nam” do Hiệp hội BĐS Tp.HCM tổ chức, thu hút rất đông các doanh nghiệp BĐS tham gia, bởi đây chính là một trong những vấn đề nóng hiện nay. Bong bóng BĐS được xem là đang xì hơi và theo dự báo đến năm 2012 giá BĐS mới có thể chạm đáy.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS cho rằng doanh nghiệp BĐS đang phải kinh doanh trong môi trường "khắc nghiệt” và Hiệp hội kiến nghị Chính phủ không xếp BĐS vào loại hình dịch vụ phi sản xuất.
Doanh nghiệp BĐS dựa vào hai nguồn vốn chính là vốn tín dụng và vốn huy động từ khách hàng, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là vốn.
"Lãi suất có thể cao, giá vật liệu xây dựng có thể lên kéo theo chi phí giá thành tăng nhưng nếu thị trường thông suốt thì sẽ không có vấn đề gì nhưng thị trường BĐS hiện lại rất khó khăn”, ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Theo bà Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS, thực tế nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng rất khó, nhiều doanh nghiệp phải vay ở thị trường "đen” với lãi suất thậm chí đến mức 9%/ tháng.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thị trường giá cả của Bộ Tài chính lý giải: một là ngân hàng (NH) có vấn đề nên đặt ra những điều kiện để doanh nghiệp phải ngán ngại chạy cửa sau hoặc thông qua tín dụng đen? Thứ hai, là phải chăng doanh nghiệp BĐS bây giờ quá "yếu” chẳng còn gì đem ra thế chấp để NH cho vay nữa?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh khẳng định: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi giá BĐS xuống thì các điều kiện vay thế chấp bằng BĐS sẽ có chuyện ngay tức khắc. Còn về việc xử lý thị trường tín dụng đen lại là câu chuyện của các cơ quan quản lý nhà nước”.
Dự báo của TS Vũ Đình Ánh về mức lạm phát năm 2011 của Việt Nam sẽ ở mức khoảng 20% và vào năm 2012 lạm phát của Việt Nam có thể đứng đầu thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do mức đầu tư của Việt Nam quá cao, với khoảng 40% GDP dành cho đầu tư nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp.
Đáng lưu ý hiện nay là hàng tồn kho tăng rất nhanh, tổng cầu bắt đầu sụt và từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay chưa bao giờ tổng cầu Việt Nam sụt giảm như vậy. Vì lạm phát người dân bắt đầu hạn chế chi tiêu, nên kịch bản năm 2012 kinh tế Việt Nam không chỉ đối mặt với tình trạng lạm phát mà còn đối mặt với giảm phát. Lãi suất NH luôn gắn liền với mức độ lạm phát, vì vậy nếu lạm phát vẫn ở mức cao thì doanh nghiệp BĐS không có hi vọng lãi suất cho vay sẽ giảm.
Bong bóng BĐS đang xì hơi, dự báo giá bán BĐS năm 2011 dù giảm đến vài chục phần trăm vẫn chưa chạm đáy và có không ít dự báo giá BĐS có thể giảm đến mức 50%. Đây lại là tín hiệu có lợi cho người dân, vì như thế sẽ làm giảm sự bất hợp lý về việc chênh lệch quá cao giữa mức thu nhập bình quân đầu người với giá BĐS mà Việt Nam đã và đang thuộc hàng đứng đầu thế giới.
(Theo Đại đoàn kết)
- 0
- By Admin
- 01/08/2011
- 17