Năm 2011: Tái lập dự án đường sắt cao tốc
Thông tin trên được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra chiều qua, tại Hội nghị tổng kết năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011. Theo đó, trước tiên sẽ tập trung vào làm trước 2 đoạn: Hà Nội – Vinh và Nha Trang – Sài Gòn.Trao đổi bên lề, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Việc lập dự án đầu tư xây dựng có nghĩa là lập dự án nghiên cứu khả thi. Cụ thể, là xem xét dự án có khả thi về kỹ thuật, tài nguyên môi trường, về vốn, trình độ thi công... nếu thấy hợp lý thì sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét.
Được biết, hiện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký bản ghi nhớ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc hỗ trợ dự án nghiên cứu này. Cơ quan này cũng sẽ trình với Chính phủ Nhật khoản kinh phí khoảng 2 triệu USD để bố trí kinh phí cho dự án.
Theo đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên sẽ tập trung vào nghiên cứu trước 2 đoạn là Hà Nội - Vinh và Tp.HCM - Nha Trang.
Trước đó, siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM với số vốn ước tính 56 tỷ USD đã gây tranh cãi cả trên diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Đa số ý kiến phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn đầu tư quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên xây trước một đoạn đường sắt cao tốc để rút kinh nghiệm. Quan điểm này đã thể hiện ở phương án hai trình Quốc hội trước khi biểu quyết, tức là tán hành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM với những bước đi cụ thể.
Ngành đường sắt khẳng định sẽ tái lập dự án nghiên cứu khả thi đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM vào năm nay. |
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc Tp.HCM - Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Trên cơ sở kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, Quốc hội giao Chính phủ đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo. Tuy nhiên, ngay khi Chính phủ trình dự án này ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12, các đại biểu đã bác chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc này.
Một tháng sau đó, Văn phòng Chính phủ lại có công văn gửi các bộ thông báo ý kiến của Thủ tướng về việc tái khởi động lập dự án đầu tư một số tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM.
Theo đó, để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM báo cáo Quốc hội, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM và dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Quốc hội, tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá; làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đàm phán nội dung, tiến độ và cách thức tiến hành lập các dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên theo đúng quy định.
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 06/01/2011
- 17