• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Năm 2010: Mặt bằng bán lẻ sẽ lên ngôi

Vincom City Tower là một trong số ít TTTM hiện có xây dựng theo xu hướng tiêu dùng mới.

Giá cao, diện tích bé do thiếu hụt nguồn cung

Kể từ 1/1/2010, thỏa thuận mở rộng thương mại trên lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ sẽ tạo điều kiện cho những nhà kinh doanh nước ngoài tiến hành bất cứ hình thức bán lẻ và bán buôn nào ở Việt Nam. Đây chính là lý do mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS tin rằng sẽ có tác động tích cực lên thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Bởi vậy, thị trường bán lẻ được xem là có thế mạnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, việc thiếu hụt nguồn cung đã gây áp lực cho mặt bằng bán lẻ hiện có không chỉ là giá thuê mà đi kèm là diện tích thuê không lớn.

Điều này đồng nghĩa với việc đang xẩy ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bản lẻ tại những dự án có thể đem lại cho họ lợi nhuận trong kinh doanh.

Theo khảo sát của CBRE, trong quý cuối năm 2009, không có dự án mặt bằng bán lẻ mới nào được công bố, song các thương hiệu quốc tế và hoạt động nhượng quyền thương hiệu lại rất sôi động.

Các thương hiệu quốc tế cao cấp đã nhanh chóng chiếm những vị trí cuối cùng tại các khu trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm, trong khi đó nhiều chuỗi nhà hàng ẩm thực đã nhanh chóng mở thêm tại các căn nhà mặt phố được cải tạo lại trên phạm vi toàn thành phố.

Dự báo thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội sẽ có các mức giá thuê tăng nhẹ do nhu cầu tăng từ các thương hiệu quốc tế cao cấp trong đầu năm 2010.

Theo ông Nathan Cumberlidge, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và định giá Colliers International tại Việt Nam, vị trí, thiết kế, bố trí và sự pha trộn tất cả các khách thuê nhà trở nên quan trọng với một thị trường phát triển.

Đây là chìa khóa cho các dự án bán lẻ tốt với sự cạnh tranh gia tăng, các dự án kém vị trí sẽ bị ảnh hưởng với giá cho thuê và tỉ lệ lấp đầy thấp hơn.

“Một dự án bán lẻ thành công cần phải có sự pha trộn các hệ thống cửa hàng, rạp chiếu phim, siêu thị, các khu dành cho giải trí...” - ông Nathan Cumberlidge nói.

TTTM mới sẽ phải thay đổi

Giám đốc dịch vụ bán lẻ Công ty Savills Việt Nam, ông Mark Farquhar, một người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhận định: Hầu hết các TTTM tại Việt Nam chỉ là những cửa hàng và hầu như tất cả các hình thức đều là một phần của dự án khu phức hợp.

Chính vì vậy, để thích ứng với thói quen tiêu dùng đang thay đổi thì các TTTM sắp tới sẽ phải có sự khác biệt không chỉ về quy mô, địa điểm mà còn là thiết kế, cho phép các nhà bán lẻ Việt Nam đem đến cho khách hàng của họ không gian lựa chọn hàng hóa và dịch vụ rộng hơn không gian của những cửa hàng nhỏ hiện nay.

Theo chuyên gia này, Việt Nam đang thừa hưởng vị trí đẹp nhất ở phía Đông và phía Tây. Và trong 3 năm tới, những khu TTTM, đa tầng ở các vùng ngoại ô sẽ trở thành các khu phố mua sắm ở Việt Nam.

Những khu phố mua sắm này sẽ gồm các trung tâm giải trí, khu ăn uống (vừa phục vụ tiệc cao cấp và phục vụ thức ăn nhẹ), tất nhiên ưu tiên chính là khu mua sắm lớn nhất Việt Nam.

Tính đến 2012, sẽ có thêm một khối lượng tương đương 500.000m2 diện tích bán lẻ được cung ứng trên thị trường. Với nguồn cung tăng thêm này, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 1.200.000m2 diện tích bán lẻ, tức là gấp 3 hiện nay.

Điển hình như Gamudaland ở Hà Nội sẽ sớm khởi công dự án khu trung tâm mua sắm thương mại. Tại TPHCM thì phải kể đến là Dự án hồ Bán Nguyệt ở Phú Mỹ Hưng dự kiến sẽ mở cửa chính thức vào tháng 4/2011. Các nhà đầu tư khác, cả nội lẫn ngoại cũng đang hối hả với các dự án khác…

Rõ ràng, với một thị trường bán lẻ phát triển như Việt Nam trong thời gian qua thì không có lý do gì phải lo lắng về việc liệu có thêm nhiều nhà đầu tư và các nhà kinh doanh bán lẻ đổ xô vào Việt Nam hay không!
 

Theo Dân Trí
  • 0
  • By Admin
  • 23/02/2010
  • 17