Năm 2010: Gần 7 tỷ USD từ nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản
Tổng vốn đăng ký đầu tư tuy có giảm so với năm trước nhưng vẫn có 27 dự án mới được cấp giấy phép, chứng tỏ môi trường đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam tiếp tục hấp dẫn.Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS nước ta trong thời gian vừa qua đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư, giao dịch BĐS trên thị trường đang dần trở nên minh bạch và công khai hơn. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 19 tỉnh và thành phố, trong năm 2010, có 11.890 giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS với tổng giá trị giao dịch qua sàn là 27.257 tỉ đồng (trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 4.311 giao dịch qua sàn, tổng giá trị giao dịch là 6.509 tỉ đồng).
Báo cáo của ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Đến hết năm 2010, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh BĐS đạt khoảng 228 ngàn tỉ đồng, tăng 23,5% so với năm 2009 (tương đương với mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cùng thời kỳ là 23,87%).
Tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS trong năm 2010 ở mức xấp xỉ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung, chất lượng tín dụng được đảm bảo. Đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được trong điều kiện mặt bằng lãi suất hiện nay. Các dự án BĐS có hiệu quả vẫn được các tổ chức tín dụng xem xét và đáp ứng nhu cầu vốn.
Các tổ chức tín dụng đã căn cứ vào định hướng chính sách tín dụng của ngân hàng Nhà nước, cân đối một phần nguồn vốn kinh doanh để cho vay lĩnh vực BĐS theo cơ chế tín dụng thương mại, hỗ trợ cho việc hoàn thành nguồn cung BĐS. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng thông qua các sản phẩm tín dụng thích hợp để cung ứng vốn tín dụng cho người có nhu cầu vay mua nhà, thuê BĐS.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đã kiến nghị với Chính phủ nhiều biện pháp để chấn chỉnh thị trường BĐS, không để thị trường BĐS trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng” trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sẽ kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 25/05/2011
- 17