Năm 2010: BĐS Việt Nam thu hút 8 tỷ USD lượng kiều hối
Tính đến hết tháng 11/2010, nguồn thu từ kiều hối đã đạt 7,6 tỷ USD. Ước tính lượng kiều hối trong tháng 12/2010 sẽ đạt khoảng 770 triệu USD, nâng tổng mức kiều hối của cả năm 2010 lên 8 tỷ USD, tăng khoảng 25,6% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2009.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều cho biết lượng kiều hối được gửi về tăng trên 20% so với năm 2009. Kết thúc năm 2010, doanh số kiều hối chuyển qua Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt 1,3 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2009.
Doanh số kiều hối qua Công ty kiều hối Đông Á đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009. Lượng kiều hối chuyển qua Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương cũng đạt trên 1,2 tỷ USD. Mức tăng đột biến của dòng kiều hối về Việt Nam trong năm 2010 là khá bất ngờ bởi năm 2009 kiều hối chuyển về nước giảm gần 13% so với năm 2008, xuống 6,3 tỷ USD.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: “Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển dịch mạnh mẽ của dòng kiều hối vào Việt Nam trong năm 2010. Thứ nhất là do sự sôi động trên thị trường bất động sản và thứ hai là do sự hấp dẫn về lãi suất tiền gửi đối với đồng USD tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Một số báo cáo gần đây cho thấy có đến 45-50% lượng kiều hối đến Việt Nam được đầu tư vào thị trường bất động sản.
Mặt khác, khi lãi suất của đồng USD trên thế giới hiện nay khá thấp (lãi suất cho vay liên ngân hàng thế giới chỉ dao động quanh 0,23-0,78%/năm cho tất cả các kỳ hạn) thì ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất quanh 5% cho tiền gửi bằng đồng USD là mức cao."
“Người gửi tiền chắc chắn cũng muốn đồng tiền của họ sinh lợi nhiều hơn nên có thể họ gửi về đây để nhận lãi suất tốt hơn,” ông Thành nói.
Theo một quan chức của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, dòng kiều hối tăng mạnh trong năm vừa qua cũng phải tính tới yếu tố thông thoáng và cởi mở trong chính sách kiều hối của Việt Nam, cho phép gửi và nhận tiền bằng đồng USD.
Một nguyên nhân khác đóng góp cho sự gia tăng của kiều hối vào Việt Nam trong năm 2010 là nhờ các ngân hàng thương mại đang triển khai và nâng cấp liên tục dịch vụ kiều hối trên các kênh trực tiếp tại trụ sở, trực tuyến và đến tận gia đình.
Theo Pháp lệnh kiều hối, người nhận kiều hối được phép nhận bằng USD, được cất, giữ, mang theo bên mình lượng kiều hối nhận được. Và do tâm lý người dân lo lắng đồng nội tệ mất giá nên đa số người nhận kiều hối đều không bán lại cho ngân hàng. Một lượng không nhỏ kiều hối vẫn giữ trong dân mà chưa được huy động và đầu tư trở lại nền kinh tế.
Như Sacombank, trong năm 2010, ngân hàng này đã tăng cường dịch vụ chi trả kiều hối, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian nhanh nhất, đồng thời đa dạng hóa các kênh chi trả kiều hối (tại quầy, tại nhà, qua thẻ, chuyển khoản…) trên toàn hệ thống gần 400 điểm giao dịch chi trả kiều hối từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Ngoài việc duy trì, phát triển dịch vụ và tăng cường hợp tác với các đối tác chuyển tiền tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Australia…, ngân hàng này tiếp tục mở rộng dịch vụ tới các nước có nhiều người Việt đang sinh sống và lao động thuộc khu vực châu Á, Trung Đông, Đông Âu… nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển và nhận kiều hối cũng như tăng doanh số.
Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia 2010, đánh giá cao lượng kiều hối vào Việt Nam năm 2010, song ông cho rằng Việt Nam chưa thực sự khai thác hiệu quả nguồn ngoại tệ này.
Ông Kiêm gợi ý các nhà làm chính sách cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo niềm tin cho người gửi và nhận kiều hối, để thu hút ngày càng nhiều ngoại tệ từ nguồn này cũng như huy động và sử dụng hiệu quả.
Dự báo năm 2011, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng thêm 6,2%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng hàng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất./.
(Theo Vietnam+)
- 213
- By Admin
- 07/01/2011
- 17