Tuy nhiên, theo thông tin tôi nắm được, các doanh nghiệp bất động sản và khách hàng mua nhà cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất thấp mà các ngân hàng vừa công bố. Nhiều chủ dự án, khách hàng phải vay thỏa thuận từ 1,1 - 1,2%/tháng, mức lãi suất này vẫn cao nên chưa hấp dẫn. Vì vậy, theo tôi các ngân hàng phải có động thái tích cực hơn nữa và phải tạo điều kiện cho các chủ dự án, người mua nhà dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Nếu làm được như vậy thì thị trường BĐS mới khởi sắc và số lượng giao dịch trên thị trường mới thực sự gia tăng.
Theo tôi, những dự án khả thi, chủ đầu tư làm ăn có uy tín, có thương hiệu thì ngân hàng nên tạo điều kiện cho vay. Tất nhiên ngân hàng phải chủ động giám sát chặt chẽ dòng vốn để đảm bảo tiền được rót đúng vào việc triển khai dự án đó thì mới hiệu quả. Riêng đối với các khách hàng vay mua nhà, đất, ngân hàng chỉ nên cho những đối tượng thực sự có khả năng và có nhu cầu mua và trả góp vay. Tôi nghĩ, với mức lãi suất dưới 10,5% như hiện nay nhiều người sẽ chấp nhận được, nếu được ngân hàng tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn thì chắc chắn nhiều người sẽ mua được nhà.
Vừa qua BIDV cam kết cho tất cả các khách hàng vay vốn mua nhà tại các dự án do Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để Hoàng Anh Gia Lai phát triển dự án. Tuy nhiên, theo tôi, BIDV cũng nên có sự quan tâm, ưu ái với các doanh nghiệp làm ăn có uy tín và những dự án có tính khả thi khác để người mua có được nhiều sự lựa chọn hơn.
Thực tế từ trong tết thị trường BĐS đã có những tín hiệu đáng mừng. Cuối năm dự án Riverside Residence của Phú Mỹ Hưng chỉ trong vòng 2 tiếng đã bán hết vèo hơn 133 căn. Hay dự án Tân Mai của Công ty CP đầu tư Tân Bình ngay ngày đầu tiên tung ra đã bán được 70%; Dự án E.Home của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cũng bán rất thành công. Vấn đề đặt ra là vì sao trong lúc thị trường đóng băng mà các dự án này vẫn bán được. Tôi cho rằng đó là do vị trí của các dự án và dòng sản phẩm mà các dự án cung cấp. Có thể thấy các doanh nghiệp này đã có sự điều nghiên thị trường một cách rất kỹ lưỡng và nghiêm túc, vị trí nào thì đầu tư loại hình sản phẩm gì cho phù hợp với đối tượng khách hàng mà mình nhắm tới.
Năm 2008, do thị trường không tốt nên nhiều chủ đầu tư đã ém sản phẩm lại. Năm 2009, chắc chắn sẽ có nhiều dự án tung ra. Do đó sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các dự án. Để cạnh tranh các doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược kinh doanh, xem xét lại đội ngũ nhân sự, thiết kế, giá bán ra và chất lượng công trình, đặc biệt là phải bảo đảm tiến độ thi công và tiến độ cam kết giao nhà cho khách hàng.
Thị trường BĐS 2008 là khoảng lặng để các doanh nghiệp đầu tư địa ốc nhìn lại và điều chỉnh, phân tích thị trường, từ đó tìm hướng đi. Đây cũng là cơ hội để thanh lọc bớt những doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu ăn xổi, theo phong trào. Nhờ đó, ngay sau tết Kỷ Sửu, thị trường địa ốc đã bắt đầu có giao dịch. Từ những giao dịch này cho thấy thị trường có sự phân khúc rõ rệt. Những dự án nào đáp ứng nhu cầu của thị trường thì sẽ sôi động.
Người mua, sau bài học xương máu năm 2008 giờ đây đã bình tĩnh, thận trọng và thông minh hơn để lựa chọn những sản phẩm thực sự chất lượng, có tính thanh khoản và phù hợp với điều kiện của mình. Năm 2009 theo tôi, đối tượng chính của thị trường BĐS sẽ là những người mua để ở và đầu tư lâu dài, còn đầu tư ngắn hạn sẽ ít đi. Như vậy buộc họ phải xem xét cụ thể vị trí, hạ tầng kỹ thuật và xã hội có đồng bộ, phát triển hay không, đặc biệt là khoảng cách giữa nơi ở và nơi làm việc có hợp lý hay không thì mới mua.
Theo Pháp luật TP