NƠXH phải phù hợp với khả năng tài chính của người thu nhập thấp
Về hình thức phát triển nhà ở xã hội và đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của dự thảo Luật thì một trong các hình thức phát triển nhà ở xã hội là hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở bằng vốn nhà nước để cho thuê. Đa số các đại biểu tán thành với hình thức này vì cho rằng, đây là chính sách đúng đắn hướng tới các đối tượng thực sự có khó khăn về nhà ở và khó có khả năng mua nhà ở, kể cả nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định chính sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê bảo đảm tính thống nhất và phù hợp hơn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, quan điểm của Chính phủ là đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội nhằm giảm áp lực về giá của thị trường và đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả cho người dân. Tuy nhiên việc thể hiện quan điểm này trong dự thảo luật còn sơ lược chưa rõ nét, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy Luật nhà ở phải tiếp tục khẳng định vai trò của nhà nước trong việc tạo lập môi trường, chính sách phát triển bảo đảm nhu cầu nhà ở xã hội. Trong giai đoạn hiện nay nhà ở vẫn hầu hết đều dựa trên nguyên tắc thị trường cho nên nhiều người dân, đặc biệt là lớp trẻ, người di cư vẫn chưa có chỗ ở, do vậy nhà ở xã hội phải đáp ứng được khả năng chi trả của người thu nhập thấp và nhà nước cần đóng vai trò mạnh hơn trong việc bảo đảm chính sách nhà ở theo hướng vừa bảo đảm nguyên tắc kinh doanh của thị trường vừa giải quyết được các vấn đề xã hội liên quan đến lĩnh vực nhà ở.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu: “Nhu cầu phần đông của người dân hiện nay là cần chỗ ở hợp pháp, thay vì sở hữu nhà ở. Hiến pháp quy định quyền cơ bản của công dân là công dân có quyền về chỗ ở. Tuy nhiên hiện nay với chính sách của nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp và ngay cả trong dự thảo Luật nhà ở vẫn xác lập một thị trường mua bán nhà ở là chính vì vậy người nghèo người thu nhập thấp vẫn chưa tiếp cận được nhà ở.”
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận. |
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng nhà ở xã hội là điểm sáng của Luật nhà ở, là cơ hội cho người thu nhập thấp, công nhân, giới trẻ… Tuy nhiên nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhưng cũng cần tránh tình trạng bao cấp tràn lan, lợi dụng chính sách để trục lợi, làm nhà ở xã hội kém chất lương.
Về đối tượng sở hữu nhà ở, đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng luật cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị là đại diện chủ sở nhà ở công vụ cũng là đối tượng chủ sở hữu nhà công vụ, như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị quản lý nhà ở công vụ để bán giá rẻ hoặc cho thuê mang tính công ích.
Phát biểu ý kiến về quy định nhà công vụ, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng dự thảo luật chỉ hướng tới bao cấp nhà công vụ cho một số ít người, trong khi đại đa số những công chức trẻ đang công tác tại các cơ quan nhà nước, khu vực biên giới, hải đảo lại không được hưởng chính sách nhà ở công vụ. Đại biểu đề nghị việc bảo đảm nhà ở cho cán bộ cấp cao phải gắn liền với việc làm rõ nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ, tránh biến nhà công vụ thành nhà cá nhân để thế chấp, thừa kế; đồng thời nên khoán tiền nhà ở công vụ cho các công chức vào tiền lương.
Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị, các trường hợp mua bán, thuê, tặng, cho nhà ở cần được quy định theo hướng thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu nhà ở tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Quy định như vậy là phù hợp với đặc thù của loại tài sản này, phù hợp với bản chất của quyền sở hữu, tránh tình trạng cùng một khối tài sản thống nhất nhưng lại có đến hai thời điểm chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu khác nhau. Đồng thời quy định như vậy cũng nhằm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên mua bán và hạn chế được các trường hợp tranh chấp, lừa đảo khi mua bán nhà ở, đất đai.
Tham gia buổi thảo luận, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến vào các quy định về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; về mục đích sử dụng nhà ở; đối tượng được sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; thời hạn sử dụng nhà chung cư…
- 0
- By Admin
- 18/06/2014
- 17