Myanmar: Yangon sẽ hạn chế nhà cao tầng theo chương trình phân vùng mới
Phát biểu tại cuộc họp ngày 4/12 thảo luận về việc sử dụng đất đai Yangon và quy hoạch công trình di sản, kiến trúc sư Daw Hlaing Maw Oo công tác tại Cục định cư và Phát triển Nhà ở cho biết: “Kế hoạch lâu dài là phải có một thành phố hấp dẫn với người dân và thú vị đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu chúng ta cho phép các tòa nhà cao tầng xuất hiện, các tòa nhà di sản và nét văn hóa của chúng sẽ biến mất.”
Các yêu cầu của YCDC về hạn chế xây dựng để bảo vệ hạ tầng cơ sở của thành phố được đưa ra gồm việc các nhiều nhà đầu tư phải từ bỏ các công trình cao tầng hiện đại, hoặc chiết giảm quy mô các dự án hiện có.
Tại trung tâm thành phố Yangon vẫn tồn tại nhiều tòa nhà lạc hậu với tiêu chuẩn an toàn thấp, một số còn nằm trong tình trạng đổ nát. Ông U Thant Myint-U, chủ tịch Hội Di sản Yangon nói: “Những người khác nhau sẽ đưa ra những quan điểm khác nhau về điều tốt nhất cho thành phố và chúng ta cần thỏa hiệp cho vấn đề xây dựng chính sách. Nhưng một khi các quy tắc và quy định được thiết lập thì tất cả mọi người phải được đối xử bình đẳng.”
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng các nhà đầu tư sẽ có giải pháp thay thế đối với quy định hạn chế xây dựng miễn là các dự án vẫn mang lại triển vọng kinh tế cao.
Ông U Aung Thura, giám đốc điều hành công ty tư vấn tại Yangon cho biết: “Sau này mọi người sẽ đầu tư vào những khu vực không có các hạn chế như vậy nữa. Nếu bạn nhìn ra Thượng Hải và Bắc Kinh, người ta thường phát triển những khu vực trước đây hoàn toàn không có gì.”
Ông Serge Pun, chủ tịch công ty BĐS đa quốc gia Serge Pun & Associates đồng ý với kế hoạch của thành phố. Ông cho rằng điều này càng dễ dàng cho các công ty xây dựng và thành phố.
YCDC đã đưa ra bảng phân loại mới về sử dụng đất đai như đất có mật độ dân cư thấp-trung bình-cao, đất sử dụng hỗn hợp, thương mại và kinh doanh, công nghiệp và nhà kho … với hy vọng ngăn chặn nạn sử dụng đất sai trái có thể ảnh hưởng đến hạ tầng cơ sở thành phố.
Phương án trên nếu được phê duyệt sẽ áp dụng cho các tòa nhà tư nhân và chính phủ. Các cuộc thảo luận sẽ diễn ra công khai.
Quan điểm của bên yêu cầu hạn chế là nhà cao tầng sẽ che khuất các công trình văn hóa, gây mất mỹ quan đô thị, gây tắc nghẽn giao thông ở khu trung tâm.
Ông U Toe Aung, phó giám đốc YCDC còn đề xuất phương án cho phép xây dựng các tòa nhà cao tầng ở khu phố thượng lưu nếu mật độ tòa nhà thấp, còn ở khu vực trung tâm thì tuyệt đối cấm.
Cố vấn kinh tế của Tổng thống Aung Htun Thet cho biết một số chuyên gia dự đoán vào năm 2030, khoảng 25% dân số Yangon sẽ sống ở khu trung tâm – gấp đôi tỷ lệ hiện nay. Ông cũng nhấn mạnh các nhân vật cấp cao chấp thuận yêu cầu hạn chế chiều cao công trình và quy hoạch phân vùng của YCDC.
NT (Lược dịch)
- 139
- By Admin
- 12/12/2013
- 17