Mỹ can thiệp mạnh vào thị trường tín dụng và bất động sản
Điều tra mới đây cho thấy hàng triệu gia đình Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị tịch biên tài sản do tổng dư nợ ngân hàng đã lớn hơn so với tài sản thế chấp (thường là nhà ở). Nhằm tránh sự đổ vỡ tín dụng, đảm bảo an sinh xã hội cũng như kích thích thị trường bất động sản, chính quyền của Tổng thống Obama buộc phải tiến hành một loạt biện pháp nhằm can thiệp vào hệ thống tín dụng mua nhà tại các ngân hàng.Dù chưa tiết lộ quy mô của chương trình cũng như còn phải chờ đợi sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhưng theo kế hoạch được công bố trong ngày 26/3, Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra 2 nhóm giải pháp chính.
Trước hết, Cơ quan quản lý nhà của Mỹ (FHA) sẽ bơm khoảng 14 tỷ USD cho các tổ chức cho vay cầm cố bất động sản, nhằm giúp các tổ chức này giảm nợ cho các gia đình có dư nợ vượt quá 20% tổng tài sản thế chấp. Theo Tổ chức kiểm toán Moody, hiện có khoảng 15 triệu gia đình Mỹ rơi vào danh sách này.
Với những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, Chính phủ Mỹ sẽ giúp giảm số nợ gốc và nợ lãi phải trả xuống dưới 31% thu nhập hàng tháng. Thời gian được giãn nợ kéo dài 3-6 tháng.
Trong khi đó, thị trường lao động tại Mỹ đang cho thấy dấu hiệu ổn định trở lại. Số liệu của Bộ Lao đông nước này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 không thay đổi ở 16 bang, giảm ở 7 bang trong khi tăng ở 27 bang. Số liệu này đã được cải thiện khá nhiều so với tháng 1/2010 (thất nghiệp tăng ở 30 bang) và tháng 12/2009 (tăng ở 43 bang). Tỷ lệ thất nghiệp trung bình trên toàn nước Mỹ đạt 9,7% trong tháng 2.
Trong ngày 26/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc IMF tham gia trợ giúp Hy Lạp.
Thông tin này tiếp tục khiến tỷ giá đồng euro tăng trở lại so với đôla Mỹ và yen Nhật. Cuối phiên giao dịch ngày 26/3 tại New York, một euro đổi được 1,3334 USD, so với mức 1,3282 của 24 giờ trước đó. Với yen Nhật, tỷ giá một euro cũng tăng từ 123,13 yen lên 123,51 yen.
Theo Vnexpress
- 228
- By Admin
- 27/03/2010
- 17