Mỹ: Tuyên chiến với các ngân hàng cho vay thế chấp nhà đất
Ernesto Viscarra (trái) kể chuyện mình bị tịch thu nhà ra sao trong cuộc biểu tình phản đối các vụ bán đấu giá nhà bị tịch thu ở bên ngoài tòa thị chính San Francisco (California, Mỹ) ngày 20/12012 |
Báo Los Angeles Times cho biết trong danh sách các bị đơn có ba ngân hàng lớn là Bank of America, Wells Fargo & Co và JPMorgan Chase & Co. Những ngân hàng này đã sử dụng hệ thống đăng ký các khoản vay thế chấp điện tử (MERS) bị cho là “có nhiều sai sót, dẫn tới hàng loạt nhà bị tịch thu một cách trái phép và trốn được khoản phí lưu giữ hồ sơ ở địa phương lên tới vài tỉ USD”.
“Nhiều sai phạm”
Tổng chưởng lý New York Eric Schneiderman, người đâm đơn kiện các ngân hàng này tại tòa án ở Brooklyn, tuyên bố: “Hệ thống MERS được dùng như một giải pháp thay thế hệ thống lưu trữ giao dịch bất động sản (của chính quyền). Một khi các khoản vay thế chấp trở nên khó đòi, các ngân hàng này liền tiến hành tịch thu hàng loạt nhà dựa vào những tài liệu được làm giả mạo, gây ngộ nhận được nộp trước tòa. Họ tìm cách lấy nhà của người khác mà không hề để ý đến những yêu cầu luật pháp cơ bản”.Đến nay, tất cả ngân hàng trong danh sách bị kiện đều từ chối bình luận về việc họ bị đưa ra tòa. Nhưng Tập đoàn MERS Corp Inc có trụ sở tại Virginia, nơi sở hữu hệ thống đăng ký giao dịch thế chấp điện tử, cho biết sẽ ra bào chữa tại tòa.
Cùng lúc với việc đâm đơn kiện này, tổng chưởng lý tại các bang khác đang thương lượng với các ngân hàng bị kiện cùng Tập đoàn tài chính Ally Financial Inc. về một thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa án trị giá 25 tỉ USD liên quan tới những vụ tịch thu nhà trái phép từ năm 2010. Ngày 6/2 là thời hạn chót để các nơi này quyết định chấp nhận hay không thỏa thuận dàn xếp này, hầu tránh bị đưa ra tòa và có nguy cơ phải trả giá cao hơn nhiều lần.
Ông Schneiderman đã chỉ trích các cuộc thương lượng này khi nhấn mạnh một thỏa thuận dàn xếp như vậy có thể khiến cuộc điều tra đi lệch khỏi các sai phạm liên quan tới các khoản vay thế chấp mà các tập đoàn tài chính Phố Wall đã thực hiện.
Hệ thống đăng ký vay thế chấp đang nổi lên là một vấn đề rất gây tranh cãi đối với ngành dịch vụ cho vay thế chấp ở Mỹ. Năm 2011, bang Massachusetts đã kiện Tập đoàn MERSCorp Inc cùng năm nhà cung cấp dịch vụ vay thế chấp lớn nhất Mỹ vì các hành vi lạm dụng trong các vụ tịch thu nhà.
Việc các ngân hàng sử dụng MERS để tịch thu nhà tùy tiện lại trốn được phí đăng ký, đã khiến người tiêu dùng khắp nước Mỹ bất bình và đâm đơn hàng loạt kiện các ngân hàng. Thậm chí trong đơn kiện họ còn dám thách thức các ngân hàng đưa ra đủ bằng chứng khẳng định mình có quyền tịch thu nhà.
MERS là hệ thống đăng ký điện tử vay thế chấp được các ngân hàng tạo ra giữa những năm 1990, chuyên theo dõi người dùng và dịch vụ cho vay thế chấp dành cho việc sở hữu nhà. Tại Mỹ, có hơn 70 triệu khoản vay thế chấp, trong đó có hàng triệu khoản vay dưới chuẩn, được đăng ký trong hệ thống MERS thay vì tại văn phòng thư ký của các hạt địa phương.
“MERS được tạo ra để các công ty tài chính trốn phí lưu hồ sơ tại địa phương, tránh việc phải công khai về các khoản giao dịch thế chấp được lưu giữ” - ông Schneiderman vạch rõ. Ông cho rằng bằng cách này các ngân hàng đã trốn được khoảng 2 tỉ USD phí lưu hồ sơ.
“Chính trị hóa cuộc điều tra”?
Bằng việc kiện ba ngân hàng lớn của Mỹ, ông Schneiderman muốn họ ngừng việc thực hiện các vụ tịch thu nhà dựa vào MERS, đồng thời tịch thu khoản lợi nhuận của họ nhờ việc sử dụng MERS và yêu cầu bồi thường dân sự. MERS từng bị chính quyền bang Delaware đâm đơn kiện hồi tháng 10/2011 do đã tịch thu nhà một cách bất hợp pháp.Chính quyền Obama cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính của Mỹ. Trong thông điệp liên bang tuần trước, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ thúc đẩy nỗ lực điều tra các sai phạm dẫn tới sự sụp đổ thị trường bất động sản do tình trạng cho vay dưới chuẩn.
Ông Schneiderman vừa được chỉ định là đồng chủ tịch Cơ quan chống lừa đảo của Bộ Tư pháp để điều tra một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng tài chính của Mỹ. Ông khẳng định sẽ không đồng ý với thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa án với các ngân hàng, nếu thỏa thuận đó chấm dứt các cuộc điều tra liên quan tới các khoản vay thế chấp.
Đáng lưu ý là vụ kiện ba ngân hàng lớn nhất của Mỹ được đưa ra ngay thời điểm đang diễn ra cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ.
Hơn 70 triệu khoản vay thế chấp đã được đăng ký trong hệ thống MERS, trong đó khoảng 7 triệu chủ hộ đã mất nhà vì bị ngân hàng tịch thu kể từ khi bong bóng bất động sản bùng vỡ vào năm 2006.
Theo Hiệp hội Ngân hàng cho vay thế chấp của Mỹ, tính tới cuối quý 3/2011 khoảng 12,6% chủ hộ vay thế chấp - tức hơn 6 triệu chủ hộ, đã hoặc không thể trả nợ đúng hẹn hay sắp bị tịch thu nhà. Đến nay, 50 bang của Mỹ đã công bố điều tra việc tịch thu nhà từ tháng 10/2010.
Nếu vụ kiện ba ngân hàng này thành công, đây sẽ là án tử buộc tất cả các vụ tịch thu nhà trên cả nước Mỹ phải dừng lại. Đây cũng là cơ hội giúp ông Obama giành được lá phiếu của những cử tri đang tức giận, vì cho rằng mình là nạn nhân của các hành vi gian dối từ các tập đoàn tài chính Phố Wall.
(Theo TTO)
- 154
- By Admin
- 10/02/2012
- 17