• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mỹ: Người dân mất nhà vì ngân hàng tịch biên trái luật

Đây là phán quyết vừa được cơ quan chức năng Mỹ đưa ra sau khi rà soát các vụ tịch biên nhà thời gian qua. Tổng cộng các ngân hàng phải trả 8,5 tỷ USD trong đó có 3,3 tỷ USD trả trực tiếp cho khách hàng và thêm 5,2 tỷ USD nữa để điều chỉnh và xóa nợ. Các ngân hàng phải chấp nhận bồi thường gồm có: Aurora, Bank of America, Citibank, JPMorgan Chase, MetLife Bank, PNC, Sovereign, SunTrust, US Bank và Wells Fargo.
 
Ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ phải bồi thường cho chính phủ 11,6 tỷ USD.

Kết quả điều tra của Văn phòng kiểm soát tiền tệ (OCC), một cơ quan độc lập của Bộ Tài chính và Cục dự trữ liên bang Mỹ, khẳng định hơn 3,8 triệu người vay tiền có nhà bị tịch biên trong giai đoạn 2009 – 2010 sẽ được nhận tiền bồi thường. “Số tiền này sẽ dao động từ vài trăm USD tới 125.000 USD tùy thuộc vào loại sai sót mà các ngân hàng đã phạm phải”, thông báo của OCC viết.

Dù vậy, theo ước tính của một nhóm hỗ trợ pháp lý những người vay mua nhà, chỉ có khoảng 400.000 người đủ điều kiện được nhận bồi thường. “Điều này thật tồi tệ”, Bruce Marks, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận có tên Neighborhood Assistance Corporation of America, hoạt động vì người vay mua nhà khẳng định với BBC.

“Ngân hàng muốn gạt chuyện này sang một bên. Chính quyền cũng muốn gạt sang một bên. Còn những người sở hữu nhà bị bỏ lại bên lề đường như những xác thú hoang”, ông Marks nói. Trước đó hơn 1000 nhà tư vấn đã rà soát các hồ sơ cho vay để xem mức độ sai phạm của các ngân hàng ra sao. Tuy nhiên việc này từ nay sẽ bị ngưng lại sau khi các ngân hàng chấp nhận bồi thường.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ biết được các ngân hàng đã làm gì khi “xào xáo” các khoản cho vay đó. Số tiền bồi thường là không đủ cho những người bị ảnh hưởng”, ông Marks, một cựu nhân viên của Fed tại New York quả quyết.

Trước khi có phán quyết nêu trên, hồi tháng 2/2012, 5 ngân hàng gồm Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, JP Morgan Chase và Ally Financial cũng đã phải trả 25 tỷ USD cho các khách hàng có nhà bị tịch biên vì cáo buộc có hành động không thích hợp.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ là Bank of America đã phải chấp thuận trả cho Fannie Mae, một cơ quan mua bán tài sản cầm cố của chính phủ Mỹ 11,6 tỷ USD.

Theo cáo buộc của Fannie Mae, Bank of America đã bán cho họ những khoản nợ “độc hại”, không đủ chuẩn và phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ đã gây ra. Tổng cộng Bank of America sẽ phải bồi thường cho Fannie Mae 1,3 tỷ USD. Ngoài ra họ còn phải chi thêm 10,3 tỷ USD để khắc phục hậu quả bằng cách chi trả tiền mặt và mua lại các khoản nợ mình đã bán.

Trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường cho vay mua nhà tại Mỹ phát triển bùng nổ giúp các ngân hàng kiếm lợi nhuận khổng lồ từ việc mua lại các khoản cho vay mua nhà sau đó cơ cấu lại và đem bán cho các nhà đầu tư, trong đó có Fannie Mae.

Tuy nhiên đến năm 2008, khi bong bóng bất động sản (BĐS) vỡ, rất nhiều BĐS trở thành vô giá trị và hàng loạt các khoản cho vay mua nhà bị quá hạn, trở thành tài sản “độc hại”. Khi đó tài sản mà những ngân hàng như Bank of America đã bán cho Fannie Mae mất giá chóng mặt, khiến họ thua lỗ và phải xin chính phủ Mỹ giải cứu.

Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết, đại diện công ty Fannie Mae, công Bradley Lerman khẳng định: “Một kết thúc tốt đẹp cho tranh chấp kéo dài giữa Fannie Mae và Bank of America chính là điều tốt nhất vì lợi ích của người nộp thuế”.

Đây được xem như chiến thắng pháp lý và kinh tế quan trọng của chính phủ Mỹ trước các ngân hàng nước này, những thủ phạm chính gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước Bank of America, các ngân hàng Wells Fargo và JP Morgan Chase cũng đã phải bồi thường vì sai phạm tương tự.
  • 160
  • By Admin
  • 08/01/2013
  • 17