• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế nhà, đất

Năm 2006, bà Ngô Thị Hoàng Oanh (hoangoanh63@...) mua 100m2  đất nhưng không nhận được thông báo đóng thuế nhà đất. Cách đây 2 tháng bà Oanh làm giấy tờ chuyển nhượng mảnh đất trên cho người khác, nhưng Chi cục Thuế đề nghị bà nộp thuế nhà, đất từ năm 2005 đến nay và nộp phạt 5 năm vì lý do nộp thuế trễ hạn nhưng không có quyết định nộp phạt. Bà Oanh hỏi, Chi cục Thuế làm như vậy có đúng quy định không?

Về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Xử phạt chậm nộp tiền thuế

Tại Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 106  Luật Quản lý thuế năm 2007 quy định: Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Người nộp thuế tự xác định số tiền phạt chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức xử phạt. Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền phạt chậm nộp thì cơ quan quản lý thuế xác định số tiền phạt chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.

Trường hợp sau 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp.

Tại Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1994 quy định: Tổ chức, cá nhân nộp chậm tiền thuế (nhà, đất) hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế hoặc tiền phạt theo quy định của Pháp lệnh này, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) số tiền nộp chậm.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành  được áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm đó.

Trường hợp mức xử phạt đối với cùng một hành vi quy định tại Nghị định này nhẹ hơn mức xử phạt quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật pháp luật đã ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định này, kể cả trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định xử lý hoặc đã ra quyết định xử lý nhưng đang trong thời hiệu giải quyết khiếu nại.

Căn cứ quy định nêu trên, đối với hộ gia đình, cá nhân đã được thông báo tiền thuế nhà, đất phải nộp hàng năm nhưng chưa nộp vào ngân sách nhà nước thì bị xử phạt chậm nộp thuế nhà, đất theo quy định của pháp luật phù hợp với từng thời kỳ: Trước 1/7/2007, thực hiện xử phạt theo quy định của Pháp lệnh thuế nhà, đất. Kể từ ngày 1/7/2007 trở đi thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên mức phạt chậm nộp thuế quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn nhẹ hơn mức xử phạt chậm nộp thuế tại Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992, vì vậy áp dụng mức xử phạt chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế

Tại Mục IV, Phần A,  Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế, quy định: Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chậm nộp tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế, thời hiệu xử phạt là năm năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày hành vi vi phạm được phát hiện và được lập biên bản (trừ trường hợp không phải lập biên bản) …

Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận vào Ngân sách Nhà nước.

Bà  Ngô Thị Hoàng Oanh cần đối chiếu trường hợp cụ thể với các quy định nêu trên để giải đáp thắc mắc của mình.


Luật sư Lê Văn Đài- VPLS Khánh Hưng
(Theo Chinhphu.vn)

  • 148
  • By Admin
  • 07/12/2011
  • 17