Mục đích sử dụng "đất vàng" bị biến tướng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 33 khu đất được kiểm tra (trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, và Từ Liêm) có 19 khu đất bỏ hoang với tổng diện tích hơn 300.000m2 và 10 khu đất sử dụng sai mục đích có diện tích gần 160.000m2 (làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ôtô....)Hiện trạng dự án hồ điều hòa |
Hầu hết các khu đất vàng đó đều được đấu thầu từ lâu mà theo như quyết định thì sau 1 năm, khu đất đó không được thi công xây dựng thì sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra nhiều năm nay là những khu đất đó không những chưa bị thu hồi mà còn “được” sử dụng sai mục đích ban đầu.
Dự án Hồ điều hòa – Trung Hòa, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Chủ đầu tư là Công ty Cổ Phần Tập đoàn Vina Megastar với diện tích hơn 132.000m2, mục đích xây dựng làm công viên Hồ điều hòa, công viên văn hóa-vui chơi giải trí và dịch vụ công cộng, trải trên địa bàn hai phường Nhân Chính (Thanh Xuân) và phường Trung Hòa (Cầu Giấy). Nhưng hiện tại dự án vẫn là khu đất được bỏ hoang, cỏ dại mọc trùm và là nơi để phế liệu xây dựng. Một hộ dân sinh sống gần đó cho biết: “Đất để hoang từ năm ngoái đến giờ không xây dựng gì cả, năm ngoái họ cho thuê làm sân bóng, bãi đỗ xe, rửa xe, thu mua sắt vụn nhưng năm nay họ không cho thuê nữa”. Cũng theo lời hộ dân thu mua sắt vụn này thì “có khoảng mấy chục hộ thuê đất để kinh doanh trên dự án này”.
Các hộ kinh doanh ở Nam Trung Yên và Lê Văn Lương |
Ngay cả các khu đất khác như: KĐT Nam Trung Yên, KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng, hai bên đường Lê Đức Thọ và Lê Văn Lương cũng “được” sử dụng trái mục đích. Tất cả các dự án trên đều được mua với số tiền khổng lồ và diện tích các khu đất vàng này đều lên đến hàng trăm nghìn mét vuông, được đầu tư để xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị mới, khu chung cư, công viên... nhưng hiện tại chỉ được sử dụng để cho các hộ dân có nhu cầu thuê đất để kinh doanh.
Các mục đích khác được sử dụng phổ biến là sân bóng mini; chỗ trông giữ xe; dịch vụ rửa xe; thu mua sắt vụn, bãi tập kết phế liệu. Giá của những dịch vụ ăn theo ở các khu đất vàng bỏ trống cũng rất đa dạng, như giá thuê cửa hàng thu mua sắt vụn, phế liệu trên KĐT Nam Trung Yên, KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng, dự án hồ điều hòa Trung Hòa dao động từ 500.000 - 2.500.000đ/tháng, tùy từng địa điểm thuê, hợp đồng thuê 1 năm kí 1 lần. Dịch vụ rửa xe, gara ôtô tại KĐT Nam Trung Yên, 2 bên đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương kéo dài có giá thuê dao động từ 10–20triệuđ/tháng, 20–24.000m2, hợp đồng thuê từ 3 - 5 năm. Tỉ lệ thuận với giá cả đa dạng thì hiện đang có rất nhiều các hộ kinh doanh thuê mặt bằng để sử dụng vào việc làm ăn của mình.
KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng |
KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, do công ty cổ phần tư vấn kiến trúc đô thị HN làm chủ đầu tư với tổng diện tích là 354.323m2, được khởi công xây dựng vào năm 2003. Mục đích xây dựng chính của KĐT này là xây dựng khu chung cư, đô thị cao cấp, công viên cây xanh... Tuy nhiên, qua nhiều năm thi công, hiện tại dự án này đang “được” sử dụng với dịch vụ cho các hộ kinh doanh thuê đất mở quán hàng ăn, sân bóng mini, bãi gửi xe, của hàng thu gom phế liệu.
Rất nhiều dự án, quy hoạch xây dựng được lên kế hoạch ở các khu đất vàng nhưng trên thực tế giá trị thực của các khu đất vàng đang bị biến tướng với các mục đích sử dụng khác nhau. UBND Tp Hà Nội và Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội đã vào cuộc và ra quyết định thu hồi đối với các khu đất vàng sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên trước quyết định thu hồi, thay vào việc phải khẩn trương dẹp bỏ thì các hộ kinh doanh vẫn tiếp tục thản nhiên với việc làm ăn của mình. Và không biết đến bao giờ thì các dự án tại các khu đất vàng được thực hiện đúng với mục đích và giá trị thực của nó?
Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính (quận Thanh Xuân) được UBND TP Hà Nội giao chủ đầu tư và bàn giao đất cho Công ty Cổ phần tập đoàn Vina Megastar từ tháng 3/2011. Khu đất có diện tích trên 132.000 m2, giáp 3 mặt đường Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương. |
Tuy nhiên, quá 12 tháng, khu đất vẫn bị bỏ hoang. Sở Tài nguyên Môi trường kiến nghị thu hồi văn bản giao chủ đầu tư để giao cho UBND quận Thanh Xuân thực hiện dự án theo đề nghị của quận này. |
Cạnh khu đất này là lô đất rộng hơn 50.000 m2, ngay mặt đường Trần Duy Hưng (đối diện siêu thị Big C) cỏ mọc cao quá đầu người, hàng rào quây tôn chỉ còn trơ khung sắt. |
Nhìn từ trên cao, "khu đất vàng" giáp 4 mặt đường lớn này ngoài một phần làm sân bóng, bãi đỗ xe thì hầu như bỏ không, |
Nam Đàn Plaza, dự án từng được quảng bá là tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, văn phòng... có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng nằm trên lô đất rộng gần 10.000 m2. |
Với vị trí mặt ngay mặt đường Phạm Hùng, gần tòa nhà Keangnam nhưng giờ đây, đằng sau tấm pano quảng bá dự án rách nát là cửa hàng bán vật liệu xây dựng, gara sửa chữa ôtô và hàng loạt sân bóng mini. |
Được cấp chứng nhận thuê đất từ 2006, sau hai lần chuyển đổi, chủ đầu tư là Công ty TNHH dịch vụ xuyên Thái Bình Dương (nay là Công ty CP Địa ốc Dầu khí viễn thông) vẫn chưa có động thái khởi công trên khu đất đẹp này. Sở Tài nguyên Môi trường đã có ý kiến đề nghị rà soát dự án để có phương án thu hồi hoặc gia hạn quyết định đầu tư; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt việc sử dụng đất sai mục đích. |
Trong khi đó, khu đất án ngữ hai mặt tiền của Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có diện tích hơn 5.000 m2 bị quây tôn, bỏ hoang 4 năm nay. |
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội xác định, Vietcombank đã vi phạm Luật Đất đai và đề nghị UBND quận Cầu Giấy căn cứ quy chế đấu giá quyền sử dụng đất lập hồ sơ thu hồi đất. |
Qua đợt kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 33 khu đất được kiểm tra (trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, và Từ Liêm) có 19 khu đất bỏ hoang với tổng diện tích hơn 300.000 m2 và 10 khu đất sử dụng sai mục đích có diện tích gần 160.000 m2 (làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ôtô....). |
Theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh, để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, các quận, huyện, phải tiếp tục kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với các dự án đã được giao chủ đầu tư. Trong đó, đặc biệt chú ý các dự án được bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất cho thuê đất nhưng đã quá thời hạn 12 tháng vẫn để đất trống, chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích... Ông Khanh yêu cầu các sở, ngành liên quan đề xuất, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo xử lý trước ngày 15/8. |
(Theo Vietnamnet)
- 177
- By Admin
- 20/07/2012
- 17