Mua nhà trên giấy: Được vạ, má sưng!
Rất nhiều rủi ro có thể gặp phải đối với những người “góp vốn” xây nhà. AMH
Mới đây, nhiều khách hàng mua nhà trong khu đô thị Mỗ Lao- Hà Đông của Công ty TSQ Việt Nam “biểu tình” tại văn phòng dự án này để phản đối TSQ không thực hiện đúng cam kết, tùy tiện tăng giá, giảm chất lượng xây dựng...
Đây không phải là lần đầu tiên những “thượng đế” mua nhà phải đồng lòng cùng nhau đòi quyền lợi cho mình. Cách đây chừng 1 tháng, hàng chục khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty Seaspimex (Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) để khiếu nại, đòi lại số tiền mua căn hộ thuộc dự án “Khu liên hợp thương mại, nhà cao tầng Hòa Bình”. Hay trong năm2008- 2009 nhiều khách hàng cũng dở khóc dở cười khi trót đặt tiền ra mua căn hộ của dự án “vịt trời” Adonis The Manor Officetel (quận Bình Thạnh). Khỏi phải nói 600 người đã mua “lố” căn hộ The Manor Officetel bàng hoàng như thế nào khi biết tin UBND TP. Hồ Chí Minh thông báo dự án này không có chức năng cư trú.
Hiện nay nguồn cung về nhà ở rất khan hiếm so với nhu cầu, vì vậy phần lớn các chủ đầu tư dễ dàng áp dụng chiêu “mỡ nó rán nó”, còn người dân phải bỏ tiền trước để mua nhà dưới hình thức “góp vốn”. Thực tế đã cho thấy, hình thức mua bán này ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho người mua.
Theo các quy định hiện hành, việc huy động vốn xây nhà chỉ được thực hiện sau khi dự án hoàn thành xong phần móng. Quy định này của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng bán nhà trên giấy. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ đầu tư vẫn “tay không mà bắt được giặc” như thường.
Cũng do việc khan hiếm nhà đã xảy ra một thực tế rất phi lý là người dân dù có tiền cũng không dễ để có thể mua được nhà. Và trên thị trường xuất hiện những nhà đầu tư thứ cấp, những đơn vị môi giới, những người đầu cơ. Họ vận dụng mọi mối quan hệ, họ giở đủ chiêu mua tranh, bán cướp, giành giật, xô xát, chỉ để được mua dăm ba căn hộ kiếm lời. Do lợi nhuận quá lớn từ việc đầu cơ, mua bán lòng vòng nhà đất, nên dù biết rủi ro nhiều người vẫn điên cuồng gom tiền bạc, thậm chí cả gia tài để mua nhà đất, căn hộ. Ai mua được thì hả hê, sung sướng, ai không mua được thì tiu nghỉu nhưng vẫn không nguôi hy vọng.
Trở lại vấn đề rủi ro của người mua nhà. Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh người bán đủng đỉnh, người mua tranh giành thì phía người mua bao giờ cũng ở thế yếu. Hơn nữa, các doanh nghiệp xây nhà có lợi thế hơn người mua về thông tin, về pháp lý… Hiện phần lớn các cá nhân mua nhà ở đều ký hợp đồng huy động vốn theo mẫu của doanh nghiệp soạn sẵn. Trong nhiều trường hợp, những hợp đồng góp vốn có những điều khoản “thòng lọng”; những điều khoản có thể “du di” bao giờ cũng có lợi cho chủ đầu tư.
Tuy đã có những chế tài xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bất động sản bằng pháp luật hình sự nhưng trên thực tế hầu hết những vi phạm đó chỉ được giải quyết theo kiểu tranh chấp dân sự. Ở thế yếu, người mua dù có đúng cũng lâm vào tình trạng “được vạ má sưng”.
Theo Công luận
- 287
- By Admin
- 12/04/2010
- 17