Mua nhà khi không có hộ khẩu tại Hà Nội
Do chưa có hộ khẩu tại Hà Nội (theo luật thì chúng tôi không thể sang tên sổ đỏ được) nên tôi không biết có nên làm hợp đồng ủy quyền để mua nhà? Liệu có vấn đề phát sinh hay khúc mắc khi tôi mua căn nhà đó không?
Ngoài ra, tôi cũng định làm theo hướng nhờ một người trong họ có hộ khẩu tại Hà Nội đứng ra mua. Một thời gian sau tôi có hộ khẩu sẽ làm việc mua bán lại với người trong họ đó có được không? Giải pháp nào là tốt và an toàn nhất? (NDHai)
- Trả lời:
Theo quy định tại điều 4 quyết định 23/2008/QĐ-UBND đối tượng được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất:
(i) phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội;
(ii) hoặc không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng đã nhận chuyển nhượng nhà ở, đã đăng ký tạm trú và đã ở ổn định tại Hà Nội từ một năm trở lên.
Từ quy định này cho thấy pháp luật cấm những người không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội mua nhà thuộc Hà Nội.
Theo như câu hỏi của bạn, tôi nhận thấy rằng bạn đã dự định hai phương án để giải quyết vấn đề:
- Lập hợp đồng ủy quyền với chủ sở hữu hiện tại về việc sử dụng căn nhà nói trên;
- Nhờ người trong họ có hộ khẩu tại Hà Nội đứng tên mua nhà giùm.
Dựa vào những quy định pháp luật hiện hành, một khi xảy ra tranh chấp, cả hai giao dịch nói trên đều bị vô hiệu bởi đã vi phạm điều cấm của pháp luật (điều 128 Bộ luật dân sự).
Đối với trường hợp thứ nhất rủi ro rất cao.
Hợp đồng ủy quyền không thể làm phát sinh vấn đề chuyển giao quyền sở hữu căn nhà. Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào khi đã thông báo cho bên được ủy quyền một khoảng thời gian hợp lý. Nếu các bên không thỏa thuận thời hạn của hợp đồng thì sau một năm kể từ ngày ký hợp đồng đó sẽ hết hiệu lực (điều 582 Bộ luật dân sự).
Trường hợp khác, hợp đồng vẫn trong thời hạn nhưng bên ủy quyền chết hoặc bị tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hay đã chết thì hợp đồng ủy quyền cũng sẽ chấm dứt (điều 589 Bộ luật dân sự). Và hệ quả chung của những tình huống nêu trên là gia đình bạn có thể phải hoàn trả lại căn nhà cho bên bán.
Trường hợp thứ hai rủi ro vẫn có thể xảy ra.
Khi tranh chấp phát sinh, giao dịch bị tuyên là vô hiệu, hậu quả pháp lý có thể sẽ giải quyết tương tự hậu quả trong trường hợp Việt kiều không đủ điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam nhưng đã nhờ người khác đứng tên giùm để mua.
Nghĩa là tòa án sẽ tuyên bán đấu giá căn nhà nói trên, hoàn trả chi phí mua nhà cho gia đình bạn. Các khoản lỗ, lãi phát sinh sẽ được chia đôi cho các bên trong giao dịch đứng tên giùm.
Theo Tuoi Tre
- 219
- By Admin
- 27/10/2009
- 17