Mua nhà giá rẻ khó như… "tìm kim đáy bể"
Chọn một trong những website về một dự án nhà ở giá rẻ trong các kết quả tìm kiếm nêu trên, PV đã tìm đến một sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhân viên môi giới sàn này giới thiệu một số dự án BĐS mà sàn đang phân phối, trong đó có một dự án gần Bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông và một dự án tại quận Long Biên, Hà Nội.
Sau khi nghe hết thông tin giới thiệu về hai dự án với mức giá thấp nhất là từ 14,7 triệu đồng/m2 với diện tích dao động từ trên 50 - 110 m2. Nhận thấy mức giá có vẻ hấp dẫn so với nhiều dự án vào thời điểm hiện tại, PV đặt vấn đề về việc làm thủ tục mua các căn hộ này thì môi giới cho hay, các căn hộ tại dự án này đều đã hết. Những căn nhỏ thực tế là các suất ngoại giao và đã bán ra ngoài thị trường. Giờ sàn chỉ còn lại các căn hộ cỡ lớn từ 77 - 110 m2.
Nhưng do các dự án này hiện tại đã triển khai xong, vì vậy nếu có mua thì cũng sẽ phải mua lại với mức giá chênh từ 80 - 100 triệu đồng/căn trở lên tùy vị trí.
Vị môi giới này chia sẻ, do xu hướng mua nhà giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng) đang “sốt” nên những căn diện tích nhỏ khi vừa mới ra hàng đã được các nhà đầu tư “ôm” nhằm bán chênh kiếm lời, bởi vậy người mua khó có thể sở hữu những căn hộ này trực tiếp từ chủ đầu tư.
Tiền chênh là câu chuyện phổ biến ở các dự án nhà giá rẻ. Đồ họa: NgocTuanz |
Cò đất này cho biết thêm, nói là các nhà đầu tư, nhưng thật ra cũng là mấy ông mấy bà lãnh đạo của chủ đầu tư ôm các căn đẹp, căn nhỏ. Và mặc dù sàn đã hết hàng nhưng vẫn đăng tin dưới tiêu đề “chung cư dưới 1 tỷ ở Hà Nội”. Đây là một chiêu thức bán hàng, vì hiện tại sàn này vẫn còn ôm nhiều căn diện tích khá lớn. Vì vậy, việc “hớt váng” những người có thu nhập khá sẵn sàng chi thêm từ 200 - 300 triệu đồng để mua lại các căn này vẫn có thể.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự khi PV tìm đến một dự án căn hộ ở quận Hoàng Mai, theo thông tin trên mạng là vừa mới mở bán cách đây không lâu. Nhưng khi gọi đến số điện thoại liên hệ trên các website, các môi giới đều cho biết những căn tại dự án này gần như đã được phân phối hết trước cả thời điểm mở bán và giờ chỉ có thể mua lại các “suất ngoại giao” với giá chênh lên tới gần 100 triệu đồng/căn.
Khi đề cập đến vấn đề dự án chưa mở bán nhưng đã phân phối hết, người này cho hay, đây là do các cam kết phải dành một số lượng căn hộ nhất định cho các đối tác khi cùng hợp tác phát triển dự án.
Trên thực tế, nếu muốn triển khai các dự án nhà ở giá rẻ, các chủ đầu tư thường hợp tác phát triển xây dựng mới tại các khu đất ở dành cho cán bộ của các đơn vị công lập. Đối với hình thức hợp tác này, doanh nghiệp sẽ chỉ phải mất chi phí xây dựng và sau đó được thanh toán bằng một số lượng căn hộ nhất định tại dự án, số còn lại sẽ do đơn vị quản lý và phân phối cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị.
Do đó, số lượng căn hộ do doanh nghiệp này bán ra thực tế không nhiều. Đấy là chưa kể, với mức giá khá thấp, đa số các sàn đã cho nhân viên của mình tiến hành đặt cọc ngay từ khi dự án mới thông tin ra thị trường, sau đó bán lại thu tiền chênh.
Nhiều chuyên gia cũng như người mua nhà đánh giá, căn hộ có tầm tiền khoảng 1 tỷ đồng là phân khúc căn hộ được người mua quan tâm nhất hiện nay. Một khảo sát gần đây của một sàn BĐS tại Hà Nội cho thấy, có tới 70% số người tham gia khảo sát có nhu cầu mua nhà khoảng 1 tỷ đồng và muốn vay vốn từ ngân hàng.
Nhưng thực tế, rất ít dự án nhà giá rẻ khách hàng có thể mua mà không mất tiền chênh. Đương nhiên, không phải là không có dự án dưới 1 tỷ đồng mà khách hàng có thể mua. Song nghịch lý ở chỗ, các dự án này lại chưa có hạ tầng đồng bộ, những người có nhu cầu ở thực lại không thể ở được. Đặc biết, các dự án này cũng chưa biết đến bao giờ xong để có thể bàn giao nhà cho người dân.
- 0
- By Admin
- 09/08/2016
- 17