Mua nhà để ở: Giờ G đã điểm?
Dưới đây là trao đổi cụ thể của ông Trần Ngọc Quang với báo chí về vấn đề này:
- Thưa ông, thị trường BĐS hiện nay đã có sự sôi động hơn so với thời điểm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản chưa được công bố. Vậy thời điểm này đã thích hợp để người dân mua nhà để ở hay chưa hay họ nên chờ đợi một thời gian nữa, khi các Luật trên có hiệu lực và nhất là nguồn cung dồi dào hơn?
Theo tôi, thời điểm hiện nay người có nhu cầu thực có thể mua nhà để ở vì họ đã có nhiều lựa chọn cả về vị trí, diện tích và giá bán dự án. Trong khi đó, giá nhà cũng hợp lý hơn rất nhiều so với các thời điểm trước đây.
Trong thời gian tới, khi nền kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ, thị trường địa ốc chắc chắn cũng sẽ phát triển theo. Và khi nguồn cung dồi dào hơn, người dân lại càng có nhiều cơ hội để lựa chọn, đồng thời thị trường sẽ chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các chủ đầu tư về chính sách bán hàng cũng như các cam kết tiến độ, chất lượng sản phẩm, chế độ hậu mãi….
Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, người mua nhà để ở và cả nhà đầu tư có thể mua nhà vào thời điểm này. Ảnh: Vietstock |
Tuy vậy, khi phía nhà nước và cơ quan quản lý đưa ra những quy định chặt chẽ hơn với thị trường BĐS, các chủ đầu tư cũng sẽ cân nhắc kỹ trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Do đó, việc hy vọng giá giảm do nhiều cung là khá hão huyền.
Với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ luôn có cơ hội trong mọi thời điểm, có chăng họ cần phải tính toán kỹ hơn nữa về khả năng tài chính cũng như mục tiêu của mình để khớp nối với nhu cầu của thị trường thì mới có những suất đầu tư hiệu quả.
- Ông có thể cho biết, tại sao đến tận lúc này Chi hội môi giới BĐS mới được thành lập khi mà theo một quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sắp có hiệu lực) sẽ không bắt buộc phải giao dịch BĐS qua sàn?
2015 được đánh giá là năm bắt đầu của quá trình hồi phục thị trường địa ốc sau khi đã trầm lắng kéo dài. Để thị trường hồi phục và phát triển ổn định, ngoài những chính sách đúng đắn và kịp thời thể hiện nỗ lực của nhà nước thì một nhân tố không kém phần quan trọng khác đó là sự nỗ lực của chính các đơn vị kinh doanh BĐS.
Trong đó cũng phải thừa nhận rằng, trong những năm qua, hoạt động của VNRea chiếm một vai trò to lớn, là nhân tố tạo dựng sự kết nối giữa các cơ quan quản lý của nhà nước với các doanh nghiệp BĐS, các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực này và các thành tố tham gia thị trường khác, đồng thời góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp BĐS phát triển nỗ lực hơn, ổn định thị trường và đưa thị trường địa ốc dần thoát khỏi thời kỳ trầm lắng để bước vào giai đoạn mới với sự hồi phục bền vững.
Trực thuộc VNRea, Chi hội Môi giới BĐS Việt Nam ra đời dựa trên nhu cầu tự nhiên. Thực ra, mô hình này trước đó đã hình thành dưới dạng một tổ chức chung đó là mạng các sàn giao dịch BĐS và trực thuộc Bộ Xây dựng.
Theo quy định hiện hành thì các sàn giao dịch được phép môi giới và các cá nhân muốn hoạt động môi giới BĐS thì phải trực thuộc một sàn giao dịch nào đó. Khi các văn bản luật mới ra đời đã công nhận tư cách cá nhân môi giới BĐS và họ cũng được pháp luật bảo hộ.
Sự ra đời của Chi hội môi giới tạo cơ hội cho các tổ chức và cả các cá nhân có nơi trao đổi, phát triển tốt hơn hoạt động phân phối các sản phẩm BĐS một cách chuyên nghiệp và lành mạnh hơn, góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc phát triển bền vững.
- Vào thời điểm Luật Kinh doanh BĐS vẫn đang trong thời gian soạn thảo, không ít người băn khoăn khi quy định không bắt buộc phải giao dịch qua sàn được ban hành thì sàn giao dịch cũng như người làm môi giới địa ốc sẽ đi về đâu? Ông có thể trả lời câu hỏi này được không?
Ông Trần Ngọc Quang- Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet |
Thực tế lại chứng minh điều ngược lại, khi mà các sàn địa ốc hoạt động mạnh mẽ hơn, thậm chí nhiều sàn còn làm không hết việc và rất nhiều sàn giao dịch lập mới, tìm kiếm môi giới ngày càng nhiều.
Mặc dù có quy định không bắt buộc phải giao dịch qua sàn nhưng thực tế, đa số các chủ đầu tư và người mua đều ngầm hiểu rằng, việc giao dịch thông qua sàn sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Vì thế, tôi tin chắc rằng, hoạt động BĐS vẫn cần phải có trung gian môi giới tư vấn cũng như hỗ trợ thủ tục cho cả hai bên mua và bán…
Như vậy quy định mới không hề hạn chế mà trái lại, sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong hoạt động môi giới lành mạnh hơn, giúp cho nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực BĐS ngày càng chuyên nghiệp hơn.
- Thời gian qua, có rất nhiều ngân hàng tích cực mở cửa thậm chí chạy đua để giải ngân tín dụng cho vay mua BĐS, ông có cho rằng điều này là tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính và cả thị trường địa ốc không, thưa ông?
Thực ra, kênh cung cấp nguồn vốn cho BĐS tại Việt Nam còn đang rất thiếu và thị trường này trước giờ vẫn phụ thuộc chính vào nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Khi thị trường BĐS đi lên thì nhu cầu vay cũng như cho vay mua BĐS là nhu cầu tự nhiên. Gần đây, các ngân hàng đã thoải mái hơn trong việc cho vay, bên cạnh đối tượng là người mua nhà ngân hàng còn sẵn sàng cung ứng vốn cho những dự án BĐS muốn tái nhập thị trườngi.
Tuy vậy, để có thể tránh được rủi ro cho nền kinh tế cũng cần có sự tác động và điều tiết từ phía Nhà nước, đồng thời ngoài kênh ngân hàng cũng cần xây dựng thêm nhiều kênh tín dụng BĐS khác. Nếu Nhà nước không có sự kiểm soát cẩn trọng thì kịch bản đổ vỡ lần nữa hoàn toàn có thể xảy ra.
- Gói tính dụng 30.000 tỷ đồng hiện vẫn còn có nhiều gút mắc, nhiều người cho rằng nên hạ thêm lãi suất. Còn theo ông, nên giảm lãi suất cho vay hay nên kéo dài thời gian cho vay gói hỗ trợ này?
Theo thông tin tôi nắm được về Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 và 61 của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân và báo cáo kịp thời với NHNN, Bộ Xây dựng những vướng mắc trong quá trình triển khai, tạo điều kiện tốt nhất để ngưới có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay với mức lãi suất thấp, thời hạn phù hợp…
Thực tế cũng cho thấy, rõ ràng giao dịch BĐS đã tăng cao hơn và tồn kho BĐS giảm đáng kể nhưng tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng lại không đạt như kỳ vọng dù nó có tác động tích cực đến sự phục hồi của thị trường.
Tôi cũng từng nói, gói tín dụng này không chỉ nhằm mục đích phát triển thị trường BĐS mà còn phục vụ an sinh xã hội. Thế nhưng, hiện nay, thời gian cho vay vẫn còn ngắn, lãi suất cũng khá cao so với thu nhập của nhiều người dân nên đã phần nào hạn chế đối tượng tham gia. Nếu lãi suất giảm và thời gian cho vay được kéo dài hơn sẽ giúp thu hút được nhiều người tham gia vay vốn hơn và đương nhiên khi đó, mục tiêu an sinh xã hội cũng đạt kết quả tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
- 0
- By Admin
- 07/05/2015
- 17