Mua nhà bằng hợp đồng ủy quyền: Nắm dao đằng lưỡi
Thông tin từ các phòng công chứng cho biết, có đến 60% giao dịch nhà đất bằng hình thức này.Để ghi nhận “chuyển quyền sở hữu căn hộ”, bên mua và bán thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền tại phòng công chứng. Sau khi hoàn tất hợp đồng ủy quyền, các bên dường như yên tâm rằng hợp đồng mà mình lập đã “ổn”. Bởi bên mua đã được cơ quan công chứng chứng thực việc hưởng mọi quyền của một chủ sở hữu đối với bất động sản. Thế nhưng, mọi chuyện không như thế.
Theo phân tích của luật sư (LS) Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng LS Trường, Đoàn LS Tp.HCM, người mua nhà đất bằng hợp đồng ủy quyền gặp rất nhiều rủi ro. Hợp đồng ủy quyền có thể công chứng được nhưng người thụ hưởng chỉ có thể thực hiện quyền trong phạm vi được ủy quyền là thay mặt bên ủy quyền nhận giấy tờ, làm các nghĩa vụ tài chính (thực tế giấy tờ nhà cũng đứng tên bên ủy quyền). “Tiền mình nộp, giấy tờ mình cầm nhưng tên người ta, nếu người ta công bằng thì thực hiện công chứng hợp đồng mua bán chính căn hộ đó cho mình, nếu họ “trở chứng” thì xem như rắc rối to”.
Mua nhà bằng hợp đồng ủy quyền gặp nhiều rủi ro (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Năm 2009, anh Nguyễn Hoàng Thông quyết định mua căn hộ Minh Thành, Q.7, Tp.HCM bằng cách bên mua và bên bán cùng ra công chứng làm hợp đồng ủy quyền (do căn hộ đang trong quá trình chờ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu). Vài tháng sau, anh muốn sang nhượng căn nhà cho người khác, đến nhờ chủ cũ làm lại ủy quyền lần nữa (hủy ủy quyền cũ) thì liền bị chủ cũ “làm khó”. Thế là anh phải chi “nặng” cho vị chủ này dù khi mua, họ hứa sẽ sẵn sàng làm ủy quyền lại, nếu anh có ý định bán căn hộ.
Không may mắn như anh Thông, vợ chồng chị Thùy Trang cũng mua căn hộ với dạng ủy quyền tương tự, nhưng đến ngày có giấy chứng nhận quyền sở hữu, theo thỏa thuận, chủ căn hộ, ông M. phải ra công chứng hủy hợp đồng ủy quyền để làm thủ tục sang tên cho vợ chồng chị thì ông M. lâm bệnh, qua đời. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi các con của ông M. bắt đầu hục hặc nhau chuyện chia chác căn hộ này, không ai đứng ra làm giấy tờ cho vợ chồng anh chị. Thế là kéo nhau đi kiện.
Cùng chung cảnh ngộ, hiện những người đã trót mua căn hộ tại dự án tái định cư Tân Mỹ, Q.7 (dành cho những người thuộc diện giải tỏa ở rạch Ụ Cây, Q.8) như ngồi trên đống lửa khi mới đây, công an đã vào cuộc ngăn chặn tình trạng sang nhượng lại căn hộ.
Những trường hợp như trên không phải là cá biệt, khi hiện nay tại các phòng công chứng, số lượng giao dịch nhà đất bằng hình thức này chiếm đến 60%.
Văn phòng tư vấn SG từng tiếp nhận nhiều vụ khi giao dịch mua bán đã hoàn tất, nhưng vì giá bất động sản lên cao, bên bán đã yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền, khi đó các bên sẽ phải trở về vị trí trước khi giao kết hợp đồng, hoàn lại cho nhau những gì thuộc về bên kia. Không những thế, nếu bên ủy quyền bỗng dưng mất tích hoặc qua đời… thì xem như hợp đồng cũng “chết” theo. Tóm lại, người mua nhà đất dưới hình thức này luôn “nắm dao đằng lưỡi”.
LS Trường khuyên, không nên mua bán theo hình thức hợp đồng ủy quyền. Có thể làm hợp đồng vay tiền có điều kiện hoặc hợp đồng đặt cọc với chế tài phạt tương ứng để bên bán không thể trở mặt và sau khi có đủ điều kiện làm giấy tờ nhà thì bên bán phải thực hiện nghĩa vụ sang tên.
Một số rủi ro pháp lý có thể gặp khi mua nhà bằng hợp đồng ủy quyền: - Một bên có thể yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền. |
(Theo PNO)
- 311
- By Admin
- 03/08/2010
- 17