Mua đất từ năm 1993 thì phải làm sổ đỏ như thế nào?
Trả lời
Do bạn không nêu rõ trên đất có công trình xây dựng (nhà ở) hay không và muốn xin cấp giấy chứng nhận chỉ đối với quyền sử dụng đất hay cả quyền sử dụng đất và tài sản đã xây dựng gắn liền trên đất, nên chúng tôi chỉ trình bày các vấn đề pháp lý liên quan việc cấp giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất.
1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận
Do bạn cũng không trình bày rõ diện tích đất cần được cấp giấy chứng nhận ở địa phương nào, nên chúng tôi không thể tư vấn thủ tục một cách cụ thể mà chỉ có thể tư vấn cho bạn một cách chung nhất theo quy định pháp luật.
Những giấy tờ có thể cần có trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận (theo mẫu);
- Giấy tờ liên quan việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp của bạn là giấy tờ thể hiện việc chuyển nhượng (mua bán) đã có xác nhận của xã;
- Tường trình về nguồn gốc đất (có thể được yêu cầu);
- Bản sao các giấy tờ liên quan việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước (nếu có) như biên lai nộp thuế sử dụng đất hằng năm;
- Tờ kê khai, đăng ký đất đai (nếu người chuyển nhượng hoặc bạn đã kê khai, đăng ký đất đai đối với diện tích đất này);
- Bản vẽ hiện trạng vị trí đất.
Theo quy định tại điều 14 nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009, hồ sơ được gửi đến UBND xã hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (tùy quy định của từng địa phương) nơi có đất để các cơ quan này thực hiện các thủ tục kiểm tra, xác nhận tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng quy hoạch, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (nơi chưa có bản đồ địa chính)…, sau đó chuyển phòng tài nguyên và môi trường trình UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận (nếu đủ điều kiện được cấp giấy). Người nộp hồ sơ sẽ nhận giấy chứng nhận tại nơi đã nộp hồ sơ.
Những giấy tờ và thủ tục được nêu trên chỉ là gợi ý. Tùy theo quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận ở từng địa phương mà trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận có thể có hoặc không có một trong các loại giấy tờ này, và cũng có thể có thêm loại giấy tờ khác được quy định. Để biết hồ sơ và trình tự, thủ tục cụ thể, bạn cần liên hệ UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên và môi trường nơi có đất để được hướng dẫn và cung cấp hồ sơ theo mẫu.
2. Thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận
Theo quy định tại điều 12 nghị định 88/2009/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu là không quá 50 ngày làm việc.
Theo quy định tại điều 3 thông tư 16/2011/TT-BTNMT ngày 20-5-2011, thời gian quy định trên được rút ngắn còn lại khoảng 33 ngày làm việc.
Tuy nhiên, thời gian nêu trên không tính thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính và thời gian trích đo địa chính thửa đất.
3. Những khoản tiền có thể phải nộp khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận
Tùy thời điểm sử dụng đất của bạn là trước hay sau ngày 15-10-1993, cũng như mục đích sử dụng đất, có thể bạn sẽ phải nộp những khoản nghĩa vụ tài chính sau đây:
- Tiền sử dụng đất, nếu là đất ở và sử dụng sau ngày 15-10-1993 không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (số tiền cụ thể được xác định và thông báo bởi cơ quan thuế);
- Lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất với tỉ lệ là 0,5% theo giá đất trong bảng giá do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định (số tiền cụ thể được xác định và thông báo bởi cơ quan thuế trên cơ sở tờ khai lệ phí trước bạ);
- Các khoản lệ phí địa chính khi cấp giấy chứng nhận hoặc trích lục hồ sơ địa chính hay trích đo địa chính thửa đất;
- Phí đo vẽ sơ đồ thửa đất;
- Thuế sử dụng đất (nếu chưa nộp).
Tiến sĩ luật Đăng Anh Quân
(Theo TTO)
- 165
- By Admin
- 15/12/2011
- 17